Cho tôi hỏi việc thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính thế nào? - Hoàng Long (Kiên Giang)
Quy định về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Quy định về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính theo Điều 13 Nghị định 45/2020/NĐ-CP như sau:
- Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh hoặc bằng cách thức khác theo quy định của pháp luật.
- Việc thực hiện xác thực trong thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia được thực hiện theo một trong các phương thức:
+ Đăng nhập một lần trên cơ sở liên kết tài khoản giữa Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, đơn vị cung cấp dịch vụ công và hệ thống thanh toán của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;
+ Thực hiện bằng tài khoản của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong trường hợp không thực hiện đăng nhập bằng tài khoản của Cổng dịch vụ công quốc gia.
- Thời điểm, mức nộp phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) thực hiện theo Luật Phí và lệ phí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
- Chứng từ nộp ngân sách nhà nước có chữ ký số của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và thông tin đã trích nộp vào ngân sách nhà nước thành công được gửi cho người nộp ngân sách nhà nước, cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính và các cơ quan, tổ chức liên quan (nếu có) để thực hiện các bước tiếp theo trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
- Chứng từ được sử dụng để trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính, người nộp nghĩa vụ tài chính và các ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện theo quy định pháp luật về thủ tục hành chính trong lĩnh vực Kho bạc Nhà nước.
- Phí dịch vụ thanh toán trực tuyến thực hiện theo quy định của các ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Trách nhiệm của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán:
+ Thực hiện cung ứng các giải pháp dịch vụ thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức cho các cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính thông qua việc kết nối, tích hợp với chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh;
+ Công khai mức phí dịch vụ thanh toán trực tuyến theo từng trường hợp cụ thể trước khi cá nhân, tổ chức thực hiện thanh toán;
+ Công khai quy trình nghiệp vụ, phương thức thực hiện thanh toán của cá nhân, tổ chức trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh làm cơ sở các bên phối hợp thực hiện nghiệp vụ thanh quyết toán, giải quyết tra soát, khiếu nại;
+ Thực hiện đối soát hàng ngày đảm bảo khớp, đúng dữ liệu trong giao dịch giữa các ngân hàng, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và giữa ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán với cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính; trường hợp có chênh lệch thì các bên tìm hiểu nguyên nhân và phối hợp xử lý;
+ Thực hiện hạch toán, quyết toán các khoản thu nghĩa vụ tài chính giải quyết thủ tục hành chính đầy đủ theo đúng quy định pháp luật;
+ Thường xuyên rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và khắc phục những sự cố do nguyên nhân kỹ thuật của hệ thống hoặc lỗi của cán bộ ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán gây ra;
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tìm nguyên nhân và giải pháp bảo đảm an toàn, thông suốt trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh;
+ Bảo đảm chất lượng dịch vụ thanh toán trực tuyến và việc bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện theo quy định pháp luật;
+ Phối hợp với các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính giải đáp vướng mắc, tra soát cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính.
- Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính:
+ Tích hợp, đồng bộ thông tin, dữ liệu liên quan yêu cầu thực hiện nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân, tổ chức với Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh theo phạm vi quản lý giải quyết thủ tục hành chính;
+ Phối hợp với ngân hàng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện kết nối, tích hợp, triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện đối soát hàng ngày đảm bảo khớp, đúng dữ liệu giữa các bên, trường hợp có chênh lệch thì các bên tìm hiểu nguyên nhân và phối hợp xử lý;
+ Công khai về đầu mối phối hợp thực hiện với ngân hàng thương mại, tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh làm cơ sở phối hợp thực hiện nghiệp vụ thanh quyết toán, giải quyết tra soát, khiếu nại;
+ Thường xuyên rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện và khắc phục những sự cố do nguyên nhân kỹ thuật của hệ thống hoặc lỗi của cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan, đơn vị gây ra;
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong tìm nguyên nhân và giải pháp đảm bảo an toàn, thông suốt trong quá trình quản lý, vận hành hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh;
+ Bảo đảm chất lượng dịch vụ thanh toán trực tuyến và việc bảo mật thông tin trong quá trình thực hiện theo quy định pháp luật.
- Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo Điều 14 Nghị định 45/2020/NĐ-CP quy định về kết quả giải quyết thủ tục hành chính như sau:
- Cơ quan có thẩm quyền trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, đồng thời trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử cho tổ chức, cá nhân tại Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân.
Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức ủy quyền, việc lưu kết quả điện tử thực hiện theo thỏa thuận ủy quyền.
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử của cơ quan có thẩm quyền có giá trị pháp lý như kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng văn bản giấy.
- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính bản điện tử phải bảo đảm:
+ Phản ánh đầy đủ các nội dung kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được quy định;
+ Có chữ ký số của cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính;
+ Bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật Giao dịch điện tử;
+ Được đồng bộ vào Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo cấu trúc mã thống nhất, bao gồm:
Mã hồ sơ thủ tục hành chính-KQ(n)
Trong đó n là số thứ tự của kết quả giải quyết đối với hồ sơ thủ tục hành chính có nhiều kết quả.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |