Đây là vấn đề đáng được quan tâm vì việc xử lý chất thải y tế không đúng cách sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Hiện nay, quản lý chất thải y tế được thực hiện theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cùng một số văn bản liên quan khác.
Quy định về quản lý chất thải y tế (Ảnh minh họa)
Thứ nhất, tại Khoản 1 Điều 49 Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định chất thải từ hoạt động y tế (trừ nước thải được đưa vào hệ thống xử lý nước thải của cơ sở y tế) phải được phân loại tại nguồn như sau:
- Chất thải y tế nguy hại bao gồm: Chất thải lây nhiễm; chất thải nguy hại không lây nhiễm (phân loại riêng theo danh mục và quy định về quản lý chất thải nguy hại tại Chương II Nghị định này); chất thải phóng xạ (quản lý theo quy định về phóng xạ).
- Chất thải y tế thông thường bao gồm: Chất thải rắn thông thường (kể cả chất thải rắn sinh hoạt); sản phẩm thải lỏng không nguy hại.
Việc phân loại chất thải y tế được thực hiện theo nguyên tắc tại Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT.
Đặc biệt, cần lưu ý chất thải lây nhiễm phải được quản lý chặt chẽ, nghiêm ngặt với cấp độ cao nhất trong các CSYT, bảo đảm không phát tán mầm bệnh gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Trường hợp để lẫn chất thải lây nhiễm vào chất thải rắn sinh hoạt, chất thải thông thường thì hỗn hợp chất thải đó phải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại (Khoản 2, 3 Điều 49 Nghị định 38).
Thứ hai, việc thu gom CTYT cũng được quy định cụ thể tại Điều 7 Thông tư liên tịch 58. Theo đó:
- Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên CSYT, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên CSYT (Khoản 1 Điều 7).
- Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên CSYT. Riêng chất thải có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán hơi thủy ngân ra môi trường (Khoản 2 Điều 7)
- Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng (Khoản 3 Điều 7)
Thứ ba, tại Điều 8 Thông tư liên tịch 58 quy định lưu giữ CTYT, cụ thể:
- CSYT thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm CSYT và bệnh viện phải có khu vực lưu giữ CTYT nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục số 03 (A) ban hành kèm theo Thông tư 58.
- CSYT không thuộc đối tượng trên phải có khu vực lưu giữ CTYT nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục số 03 (B) ban hành kèm theo Thông tư 58.
Lưu ý rằng, CTYT nguy hại và CTYT thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên CSYT. Ngoài ra, chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm cũng phải lưu giữ riêng trừ trường hợp áp dụng cùng một phương pháp xử lý.
Bên cạnh đó, tại Khoản 6 Điều 8 Thông tư liên tịch 58 quy định thời gian lưu trữ chất thải lây nhiễm như sau:
- Đối với chất thải phát sinh tại CSYT là không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường hoặc tối đa là 07 ngày trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C. Nếu lượng chất thải <5kg/ngày thì lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì, thiết bị lưu chứa đậy kín.
- Đối với chất thải vận chuyển từ cơ sở y tế khác về phải ưu tiên xử lý trong ngày, nếu không phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.
Thứ tư, về công tác vận chuyển, Khoản 1 Điều 11 Thông tư 58 cho phép CSYT trong cụm thuê đơn vị bên ngoài hoặc tự vận chuyển nhưng phải đáp ứng điều kiện dưới đây:
- Sử dụng xe thùng kín hoặc xe bảo ôn chuyên dụng để vận chuyển hoặc sử dụng các loại phương tiện vận chuyển khác nhưng phải đảm bảo yêu cầu (Khoản 2 Điều 11).
- Dụng cụ, thiết bị lưu chứa CTYT nguy hại phải có thành, đáy, nắp kín, kết cấu cứng, chịu được va chạm, không vỡ… được lắp cố định hoặc có thể tháo rời trên phương tiện vận chuyển bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển; Có biểu tượng về loại chất thải lưu chứa theo Phụ lục 02 ban hành kèm Thông tư 58 được in rõ ràng, dễ đọc (Khoản 3 Điều 11).
- Chất thải lây nhiễm trước khi vận chuyển phải được đóng gói trong các thùng, hộp hoặc túi kín, bảo đảm không bị phát tán chất thải trên đường vận chuyển.
Lưu ý, trong quá trình vận chuyển, nếu xảy ra tràn đổ, cháy, nổ chất thải y tế hoặc các sự cố khác phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo quy định.
Cuối cùng, các CSYT dựa vào quy hoạch, điều kiện kinh tế,... để lựa chọn áp dụng một trong các phương án xử lý chất thải y tế nguy hại theo Khoản 4 Điều 49 Nghị định 38/2015/NĐ-CP và Điều 13 Thông tư 58, gồm có:
- Xử lý tập trung (tại các cơ sở xử lý đáp ứng điều kiện, đảm bảo xử lý triệt để, không gây ô nhiễm môi trường).
- Xử lý theo mô hình cụm (hình thức này được áp dụng phổ biến, theo đó, CTYT tại một số CSYT lân cận xung quanh cụm sẽ được thu gom và xử lý tại CSYT trung tâm).
- Xử lý tại cơ sở (hình thức này thường áp dụng tại các địa bàn khó khăn, chưa có cơ sở xử lý tập trung hoặc không thể áp dụng hình thức theo cụm)
Mỗi hình thức xử lý CTYT sẽ thực hiện theo quy định pháp luật, chẳng hạn như đối với hình thức xử lý tập trung “các doanh nghiệp xử lý chất thải phải thực hiện thủ tục tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT để được Bộ TN&MT cấp phép”, hoặc “phải được UBND tỉnh phê duyệt” (đối với hình thức xử lý theo mô hình cụm) hoặc được Sở TN&MT cho phép (trong trường hợp xử lý tại chỗ).
Bảo Ngọc
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |