Cho tôi hỏi về phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội được pháp luật quy định như thế nào? - Thanh Tuyền (Long An)
Quy định về phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Đối tượng áp dụng phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
- Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần hoặc chết kể từ ngày 01/01/2016 trở đi, mà trước ngày 01/01/2007 đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực;
- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01/01/2016 đang hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú có phụ cấp khu vực.
Chế độ hưởng phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
- Người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01/01/ 2016 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực thì:
Ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thân nhân của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực nhưng chưa hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần mà bị chết từ ngày 01/01/2016 trở về sau thì ngoài trợ cấp tuất theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.
- Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01/01/2016, thường trú tại nơi có phụ cấp khu vực thì:
Được tiếp tục hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương cơ sở) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01/01/2016 và hưởng phụ cấp khu vực tại nơi đăng ký thường trú mà từ ngày 01/01/2016 trở đi thay đổi nơi thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực thì:
Được hưởng mức phụ cấp khu vực theo mức phụ cấp khu vực tại nơi thường trú mới; trường hợp nơi thường trú mới không có phụ cấp khu vực thì thôi hưởng phụ cấp khu vực.
Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01/01/2016 thường trú tại nơi không có phụ cấp khu vực và không hưởng phụ cấp khu vực mà từ ngày 01/01/2016 trở đi thay đổi nơi thường trú và nhận lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng ở nơi có phụ cấp khu vực thì cũng không được hưởng phụ cấp khu vực.
Cách tính mức trợ cấp một lần với hệ số phụ cấp khu vực theo khoản 3 Điều 21 Nghị định 115/2015/NĐ-CP như sau:
Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 115/2015/NĐ-CP thì mức trợ cấp một lần được tính theo thời gian, tỷ lệ đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, hệ số phụ cấp khu vực và mức tiền lương cơ sở tại thời điểm giải quyết. Hệ số phụ cấp khu vực được xác định như sau:
- Đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/1995 đến 31/12/ 2006 thì hệ số phụ cấp khu vực tính trợ cấp một lần là hệ số phụ cấp khu vực thực tế đã đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội;
- Đối với thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 thì hệ số phụ cấp khu vực được tính theo hệ số phụ cấp khu vực của các địa phương, đơn vị theo quy định của pháp luật về phụ cấp khu vực;
- Đối với thời gian công tác tại các chiến trường B, C trước ngày 30/4/1975 và chiến trường K trước ngày 31/8/1989 thì được áp dụng mức phụ cấp khu vực hệ số 0,7 để tính trợ cấp một lần.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |