Cho tôi hỏi việc phối hợp điều tra, truy tố tội phạm nguồn của tội rửa tiền được quy định như thế nào? - Thảo Nguyên (Phú Yên)
Quy định về phối hợp điều tra, truy tố tội phạm nguồn của tội rửa tiền (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 8 Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC, các hình thức phối hợp điều tra, truy tố tội rửa tiền bao gồm:
- Trao đổi trực tiếp: Tổ chức họp liên ngành theo các cấp độ chuyên viên hoặc lãnh đạo liên ngành, thành lập tổ, đoàn công tác liên ngành để hướng dẫn hoặc các hình thức phối hợp trực tiếp khác phục vụ công tác điều tra, truy tố tội rửa tiền.
- Trao đổi gián tiếp: Trao đổi cung cấp thông tin qua văn bản, phương tiện liên lạc điện tử và các hình thức phối hợp gián tiếp khác.
Việc phối hợp trao đổi thông tin trong điều tra, truy tố tội phạm nguồn của tội rửa tiền được quy định như sau:
- Quá trình điều tra các tội phạm là tội phạm nguồn của tội rửa tiền:
Cơ quan điều tra phải điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu tội rửa tiền và kịp thời trao đổi thông tin, tài liệu cho Viện Kiểm sát cùng cấp.
Chậm nhất 05 ngày trước khi quyết định khởi tố vụ án về tội rửa tiền, Cơ quan điều tra trao đổi với Viện Kiểm sát cùng cấp để phối hợp.
- Quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hành vi là tội phạm nguồn của tội rửa tiền, Viện Kiểm sát phải kịp thời phát hiện, trao đổi thông tin với Cơ quan điều tra, đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ dấu hiệu của tội rửa tiền.
- Trước khi kết thúc điều tra, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp trao đổi thông tin, rà soát, đánh giá tài liệu chứng cứ và các thủ tục tố tụng của vụ án, đảm bảo hoạt động điều tra tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.
Điều tra viên, Kiểm sát viên phải lập biên bản trao đổi thông tin, đánh giá chứng cứ, tài liệu và lưu hồ sơ lưu của mỗi cơ quan.
(Điều 9 Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC)
Các nguyên tắc phối hợp điều tra, truy tố tội phạm nguồn của tội rửa tiền được quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC như sau:
- Tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật.
- Được thực hiện thường xuyên, bảo đảm nắm bắt kịp thời thông tin góp phần phối hợp giải quyết vụ án đúng pháp luật.
- Bảo đảm bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của mỗi cơ quan.
- Việc thực hiện trao đổi thông tin, phối hợp trong hoạt động tiến hành tố tụng đối với hành vi phạm tội rửa tiền phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi 2021), các văn bản quy phạm pháp luật liên tịch đang có hiệu lực thi hành và quy định của Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong điều tra, truy tố tội rửa tiền bao gồm:
- Thu thập, tiết lộ trái phép thông tin về tình hình, kết quả điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền hoặc lợi dụng để thu thập, cung cấp trái phép thông tin cá nhân, thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền.
- Sử dụng thông tin cá nhân, cơ quan, tổ chức hoặc thông tin khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền vào mục đích cá nhân hoặc các mục đích khác không thuộc phạm vi điều tra, truy tố, xét xử tội rửa tiền.
(Điều 5 Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC)
>> Thông tư liên tịch 02/2023/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực thi hành từ ngày 25/05/2023.
Nguyễn Thị Hoài Thương
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |