Quy định về phiên họp Uỷ ban nhân dân

Quy định về phiên họp Uỷ ban nhân dân
Võ Ngọc Nhi

Xin hỏi hiện nay quy định phiên họp Uỷ ban nhân dân sẽ được thực hiện như thế nào? Biểu quyết phiên họp Uỷ ban nhân dân ra sao? - Ngọc Nhung (TPHCM)

Quy định về phiên họp Uỷ ban nhân dân

Quy định về phiên họp Uỷ ban nhân dân (Hình từ Internet)

1. Phiên họp Uỷ ban nhân dân

Tại Điều 113 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

- Ủy ban nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng một lần.

- Ủy ban nhân dân họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất trong các trường hợp sau đây:

+ Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định;

+ Theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp, đối với phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ;

+ Theo yêu cầu của ít nhất một phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân.

2. Triệu tập phiên họp Uỷ ban nhân dân

Căn cứ Điều 114 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về triệu tập phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định cụ thể ngày họp, chương trình, nội dung phiên họp.

- Thành viên Ủy ban nhân dân có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp Ủy ban nhân dân, nếu vắng mặt phải báo cáo và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân đồng ý.

- Phiên họp Ủy ban nhân dân chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Ủy ban nhân dân tham dự.

- Chương trình, thời gian họp và các tài liệu trình tại phiên họp phải được gửi đến các thành viên Ủy ban nhân dân chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày bắt đầu phiên họp thường kỳ và chậm nhất là 01 ngày trước ngày bắt đầu phiên họp chuyên đề hoặc họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất.

3. Trách nhiệm chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân

Tại Điều 115 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về trách nhiệm chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ tọa phiên họp Ủy ban nhân dân, bảo đảm thực hiện chương trình phiên họp và những quy định về phiên họp. Khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân vắng mặt, một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân phân công chủ tọa phiên họp.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo phân công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân chủ trì việc thảo luận từng nội dung trình tại phiên họp Ủy ban nhân dân.

4. Khách mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân

Căn cứ Điều 116 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về khách mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

- Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Tổ trưởng Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cấp huyện.

- Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đại diện các Ban của Hội đồng nhân dân được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan; Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân cùng cấp khi bàn về các vấn đề có liên quan.

- Chủ tịch Hội đồng nhân dân, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cấp dưới và các đại biểu khác được mời tham dự phiên họp Ủy ban nhân dân khi bàn về các vấn đề có liên quan.

5. Biểu quyết tại phiên họp Ủy ban nhân dân

Tại Điều 117 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về biểu quyết tại phiên họp Ủy ban nhân dân như sau:

- Ủy ban nhân dân quyết định các vấn đề tại phiên họp bằng hình thức biểu quyết. Thành viên Ủy ban nhân dân có quyền biểu quyết tán thành, không tán thành hoặc không biểu quyết.

- Ủy ban nhân dân quyết định áp dụng một trong các hình thức biểu quyết sau đây:

+ Biểu quyết công khai;

+ Bỏ phiếu kín.

- Quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành. Trường hợp số tán thành và số không tán thành ngang nhau thì quyết định theo ý kiến biểu quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân.

6. Biểu quyết bằng hình thức gửi phiếu ghi ý kiến

Tại Điều 118 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015 quy định về việc biểu quyết bằng hình thức gửi phiếu ghi ý kiến như sau:

- Đối với một số vấn đề do yêu cầu cấp bách hoặc không nhất thiết phải tổ chức thảo luận, biểu quyết tại phiên họp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quyết định việc biểu quyết của thành viên Ủy ban nhân dân bằng hình thức gửi phiếu ghi ý kiến. Việc biểu quyết bằng hình thức phiếu ghi ý kiến thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 117 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân phải thông báo kết quả biểu quyết bằng hình thức gửi phiếu ghi ý kiến tại phiên họp Ủy ban nhân dân gần nhất.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1555 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;