Xin hỏi quy định về người đại diện của người bệnh từ ngày 01/01/2024 cụ thể như thế nào? - Tuấn Hưng (Quảng Trị)
Quy định về người đại diện của người bệnh từ ngày 01/01/2024 được nêu rõ tại Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 (bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024), cụ thể như sau:
Căn cứ Khoản 12 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì người đại diện của người bệnh là người thay thế cho người bệnh thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 trong phạm vi đại diện.
Quy định về người đại diện của người bệnh từ ngày 01/01/2024 (Hình từ internet)
Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định về người đại diện của người bệnh cụ thể như sau:
- Một người bệnh chỉ có một người đại diện tại một thời điểm.
- Người đại diện của người bệnh phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, bao gồm:
+ Người do người bệnh là người thành niên tự lựa chọn;
+ Người do thành viên gia đình của người bệnh lựa chọn trong trường hợp người bệnh là người thành niên không thể tự lựa chọn và không có ủy quyền trước khi rơi vào tình trạng không thể hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
+ Người đại diện theo ủy quyền và người đại diện theo pháp luật của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;
+ Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc người được pháp nhân phân công mà pháp nhân đó chịu trách nhiệm quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự;
+ Người không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 nhưng tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của người bệnh theo quy định của Bộ luật Dân sự.
- Việc thay thế người đại diện được thực hiện như sau:
+ Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì phải có xác nhận của người bệnh;
+ Trường hợp thay thế người đại diện quy định tại điểm b khoản 2 Điều 8 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì phải có xác nhận của người bệnh hoặc thành viên gia đình của người bệnh;
+ Trường hợp người đại diện là cha mẹ đối với con chưa thành niên thì khi thay thế người đại diện không phải có xác nhận của người bệnh;
+ Trường hợp người đại diện là người giám hộ, người do Tòa án chỉ định, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người được pháp nhân phân công thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
+ Trường hợp người đại diện là người đại diện theo ủy quyền thì việc thay thế người đại diện phải được thực hiện bằng văn bản ủy quyền theo quy định.
- Quyền và nghĩa vụ của người đại diện, hậu quả pháp lý của hành vi đại diện, thời hạn đại diện, phạm vi đại diện thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Căn cứ Khoản 11 Điều 2 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 thì thân nhân của người bệnh là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể của người bệnh hoặc thành viên khác trong gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình;
- Người đại diện của người bệnh;
- Người trực tiếp chăm sóc cho người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng không phải là người hành nghề.
Mai Thanh Lợi
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |