Quy định về khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

Quy định về khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại
Lê Trương Quốc Đạt

Sau đây là quy định về khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại.

Quy định về khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

Quy định về khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (Hình từ Internet)

1. Quy định về khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

Theo Điều 37 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại như sau:

- Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại phải nộp hồ sơ bao gồm tờ khai đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại trực tiếp đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo các bằng chứng về việc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trước đó đã xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc sao chép tác phẩm, nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận và phải đáp ứng các điều kiện sau:

+ Chủ sở hữu quyền tác giả không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 5 năm kể từ khi xuất bản tác phẩm lần đầu tiên hoặc không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 3 năm đối với tác phẩm khoa học tự nhiên, khoa học vật lý, toán học, công nghệ hoặc không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 7 năm đối với tác phẩm tiểu thuyết, thơ, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật;

+ Chủ sở hữu quyền tác giả đã phát hành bản sao nhưng sau thời hạn tại điểm a khoản này đã không còn ấn bản nào của tác phẩm trên thị trường.

- Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định 17/2023/NĐ-CP phải tuân thủ các điều kiện sau:

+ Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ chứng minh đã yêu cầu và đã bị chủ sở hữu quyền tác giả từ chối cho phép sao chép và xuất bản tác phẩm đó hoặc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ bằng mọi biện pháp không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả;

+ Khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả, tổ chức, cá nhân đã gửi một bản sao yêu cầu của mình về sự ủy quyền qua đường bưu điện đến nhà xuất bản có tên trên tác phẩm không ít hơn 3 tháng trước khi nộp hồ sơ;

+ Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ có đủ năng lực để sao chép và xuất bản một bản sao chính xác của tác phẩm và có đủ phương tiện kỹ thuật để trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả;

+ Tên tác giả và tên ấn bản cụ thể của tác phẩm được đề xuất sao chép được in trên tất cả các bản sao của bản sao chép;

+ Tác giả chưa rút khỏi các bản lưu hành của tác phẩm.

- Trình tự, hình thức thực hiện:

+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

+ Sau 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định 17/2023/NĐ-CP gửi thông báo cho chủ sở hữu quyền tác giả và đăng trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan về việc tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

+ Sau ít nhất 6 tháng đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm khoa học tự nhiên, khoa học vật lý, toán học, công nghệ hoặc ít nhất 3 tháng đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm khác kể từ ngày đăng thông báo theo điểm b khoản 3 Điều 37 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo nộp tiền bản quyền kèm theo bản dự tính tiền bản quyền đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;

+ Tổ chức, cá nhân nhận được thông báo phải nộp tiền bản quyền theo bản dự tính tiền bản quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc (có bản sao chứng từ nộp tiền bản quyền);

+ Sau khi nhận được tiền bản quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định 17/2023/NĐ-CP ban hành văn bản chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

+ Cơ quan quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có trách nhiệm chuyển tiền bản quyền đã nhận cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật khác có liên quan. Trường hợp không tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 Nghị định 17/2023/NĐ-CP.

- Thành phần hồ sơ bao gồm:

+ Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (theo Mẫu số 05 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 17/2023/NĐ-CP);

+ Kế hoạch sử dụng;

+ Tài liệu chứng minh đã nỗ lực xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc sao chép tác phẩm nhưng yêu cầu đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận hoặc đã nỗ lực tìm kiếm chủ sở hữu quyền tác giả;

+ Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 37 Nghị định 17/2023/NĐ-CP;

+ Bản sao chứng từ nộp chi phí thực hiện chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (trường hợp nộp chi phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản);

+ Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền.

- Tổ chức, cá nhân được chấp thuận chỉ có quyền sao chép và xuất bản bản sao được chấp thuận và không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

2. Chính sách của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan

Chính sách của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 4 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:

- Hỗ trợ tài chính để mua bản quyền cho các cơ quan, tổ chức nhà nước có nhiệm vụ phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có giá trị tư tưởng, khoa học, giáo dục và nghệ thuật phục vụ lợi ích công cộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

- Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương.

- Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

- Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

- Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích sáng tạo, khai thác, chuyển giao, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

- Ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy thực hiện việc chuyển đổi định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận tác phẩm.

 

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;