Quy định về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước được quy định như thế nào? – Thùy Trang (Bình Phước)

Quy định về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

Quy định về dữ liệu mở của cơ quan nhà nước (Hình từ internet)

1. Nguyên tắc cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

- Hoạt động cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân thực hiện theo các nguyên tắc sau:

+ Dữ liệu mở phải toàn vẹn và phản ánh đầy đủ nội dung thông tin cơ quan nhà nước cung cấp;

+ Dữ liệu mở được cung cấp là dữ liệu được cập nhật mới nhất;

+ Dữ liệu mở phải có khả năng truy cập sử dụng được trên môi trường mạng;

+ Dữ liệu mở phải đảm bảo khả năng thiết bị số có thể gửi, nhận, lưu trữ và xử lý được;

+ Tổ chức, cá nhân được tự do truy cập sử dụng dữ liệu mở, không yêu cầu khai báo định danh khi khai thác, sử dụng dữ liệu mở;

+ Dữ liệu mở ở định dạng mở;

+ Sử dụng dữ liệu mở là miễn phí;

+ Ưu tiên cung cấp dữ liệu mở đối với dữ liệu mà người dân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm ban hành danh mục dữ liệu mở của cơ quan nhà nước, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước trong phạm vi quản lý của mình.

2. Quy định sử dụng dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép tự do sao chép, chia sẻ, trao đổi, sử dụng dữ liệu mở hoặc kết hợp dữ liệu mở với dữ liệu khác; sử dụng dữ liệu mở vào sản phẩm, dịch vụ thương mại hoặc phi thương mại của mình.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải trích dẫn, ghi nhận thông tin sử dụng dữ liệu mở trong các sản phẩm, tài liệu liên quan có sử dụng dữ liệu mở.

- Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước là dữ liệu nguyên trạng như được công bố; không bao gồm các hình thức trình bày và các thông tin phát sinh từ dữ liệu mở đã được cung cấp.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được bán dữ liệu mở đã được khai thác nguyên trạng từ cơ quan nhà nước cho tổ chức, cá nhân khác. Khi sử dụng dữ liệu mở trong sản phẩm, dịch vụ thương mại của mình phải cung cấp miễn phí dữ liệu mở kèm theo sản phẩm, dịch vụ thương mại đó.

- Cơ quan nhà nước không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn thất hoặc thiệt hại phát sinh của cơ quan, tổ chức, cá nhân do việc sử dụng dữ liệu mở gây ra.

3. Kế hoạch và triển khai dữ liệu mở của các cơ quan nhà nước

Trong phạm vi quản lý của mình, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm triển khai các nội dung sau:

- Xây dựng và triển khai kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm kế hoạch công bố dữ liệu mở, mức độ tối thiểu cần đạt được trong từng giai đoạn của kế hoạch.

- Xác định cơ chế thu thập, phân tích thông tin phản hồi của cá nhân, tổ chức về việc sử dụng dữ liệu mở; chỉ định đầu mối liên hệ tiếp nhận thông tin phản hồi của tổ chức, cá nhân về các vấn đề liên quan đến chất lượng, tính khả dụng, định dạng, sự tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến dữ liệu mở.

- Có các biện pháp phòng ngừa cần thiết để duy trì việc xây dựng và công bố dữ liệu mở có liên quan trực tiếp đến hoạt động bảo vệ an toàn cho con người và tài sản bị ảnh hưởng bởi kế hoạch triển khai dữ liệu mở trong phạm vi cơ quan mình.

- Thực hiện các giải pháp khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng dữ liệu mở:

+ Tiếp nhận ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân để xác định mức độ ưu tiên và thực hiện công bố dữ liệu mở phù hợp với nhu cầu;

+ Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong xã hội, cộng đồng thực hiện các hoạt động xây dựng, đóng góp để mở rộng dữ liệu mở.

4. Yêu cầu trong việc công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

- Không tiết lộ thông tin cá nhân; đánh giá và hạn chế nguy cơ, rủi ro tiết lộ thông tin cá nhân khi kết hợp với các thông tin khác.

- Bảo đảm an toàn, an ninh khi sử dụng dữ liệu mở bao gồm cả rủi ro do dữ liệu mở gây ra hoặc rủi ro khi dữ liệu mở kết hợp với dữ liệu khác gây ra.

- Danh mục dữ liệu mở được rà soát, sửa đổi (nếu có) theo định kỳ, tối thiểu 6 tháng một lần; dữ liệu mở đã công bố theo danh mục phải được cập nhật hoặc bổ sung (nếu có) trong thời hạn không quá 03 tháng kể từ thời điểm công bố.

- Tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

5. Phương thức, cách thức công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước

- Dữ liệu mở của cơ quan nhà nước được cung cấp qua các phương thức sau:

+ Cung cấp dữ liệu được đóng gói và cho phép tổ chức, cá nhân tải về sử dụng;

+ Cung cấp dữ liệu thông qua các dịch vụ chia sẻ dữ liệu.

- Dữ liệu mở phải được công bố trên Cổng dữ liệu quốc gia.

(Điều 17 đến Điều 21 Nghị định 47/2020/NĐ-CP)

Diễm My

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

3756 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;