Quy định về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan

Quy định về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan được quy định như thế nào? – Thiên Bình (Quảng Nam)

Quy định về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan

Quy định về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là giám sát hải quan?

Giám sát hải quan là biện pháp nghiệp vụ do cơ quan hải quan áp dụng để bảo đảm sự nguyên trạng của hàng hóa, sự tuân thủ quy định của pháp luật trong việc bảo quản, lưu giữ, xếp dỡ, vận chuyển, sử dụng hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải đang thuộc đối tượng quản lý hải quan.

(Khoản 5 Điều 4 Luật Hải quan 2014)

2. Quy định về đối tượng, phương thức và thời gian giám sát hải quan

2.1. Các đối tượng giám sát hải quan

Theo khoản 1 Điều 38 Luật Hải quan 2014, các đối tượng giám sát hải quan gồm hàng hóa, phương tiện vận tải, phương tiện vận tải nội địa vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan.

2.2. Các phương thức giám sát hải quan

Giám sát hải quan được thực hiện bằng các phương thức được quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Hải quan 2014, cụ thể như sau:

- Niêm phong hải quan;

- Giám sát trực tiếp do công chức hải quan thực hiện;

- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật.

Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin khác có liên quan đến đối tượng giám sát hải quan, cơ quan hải quan quyết định phương thức giám sát phù hợp.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa.

(Khoản 3 Điều 38 Luật Hải quan 2014)

2.3. Thời gian giám sát hải quan

Cụ thể tại khoản 4 Điều 38 Luật Hải quan 2014 quy định về thời gian giám sát hải quan như sau:

- Hàng hóa nhập khẩu chịu sự giám sát hải quan từ khi tới địa bàn hoạt động hải quan đến khi được thông quan, giải phóng hàng hóa và đưa ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan;

- Hàng hóa xuất khẩu miễn kiểm tra thực tế hàng hóa chịu sự giám sát hải quan từ khi thông quan đến khi ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan.

Trường hợp phải kiểm tra thực tế, hàng hóa xuất khẩu chịu sự giám sát hải quan từ khi bắt đầu kiểm tra thực tế hàng hóa đến khi ra khỏi địa bàn hoạt động hải quan;

- Hàng hóa quá cảnh chịu sự giám sát hải quan từ khi tới cửa khẩu nhập đầu tiên đến khi ra khỏi cửa khẩu xuất cuối cùng;

- Thời gian giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải thực hiện theo quy định tại Điều 68 Luật Hải quan 2014.

3. Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong hoạt động giám sát hải quan

Cơ quan hải quan trong hoạt động giám sát hải quan phải có các trách nhiệm sau đây:

- Thực hiện các phương thức giám sát phù hợp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh và bảo đảm quản lý hải quan đối với hàng hóa theo quy định Luật Hải quan 2014.

- Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật bảo đảm giám sát hải quan theo quy định Luật Hải quan 2014.

- Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định về giám sát hải quan của người khai hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi, cơ sở sản xuất hàng hóa xuất khẩu và các bên có liên quan.

(Điều 39 Luật Hải quan 2014)

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực hải quan

Cụ thể tại Điều 10 Luật Hải quan 2014, các cá nhân, tổ chức bị nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây trong lĩnh vực hải quan:

- Đối với công chức hải quan:

+ Gây phiền hà, khó khăn trong việc làm thủ tục hải quan;

+ Bao che, thông đồng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, gian lận thuế;

+ Nhận hối lộ, chiếm dụng, biển thủ hàng hóa tạm giữ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mục đích vụ lợi;

+ Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

- Đối với người khai hải quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải:

+ Thực hiện hành vi gian dối trong việc làm thủ tục hải quan;

+ Buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

+ Gian lận thương mại, gian lận thuế;

+ Đưa hối lộ hoặc thực hiện hành vi khác nhằm mưu lợi bất chính;

+ Cản trở công chức hải quan thi hành công vụ;

+ Truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin hải quan;

+ Hành vi khác vi phạm pháp luật về hải quan.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2424 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;