Quy định về chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi

Cho tôi hỏi vấn đề chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được pháp luật quy định như thế nào? - Khánh Linh (Bắc Ninh)

Quy định về chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi

Quy định về chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Người cao tuổi có những quyền gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật người cao tuổi 2009, người cao tuổi có các quyền sau đây:

- Được bảo đảm các nhu cầu cơ bản về ăn, mặc, ở, đi lại, chăm sóc sức khoẻ;

- Quyết định sống chung với con, cháu hoặc sống riêng theo ý muốn;

- Được ưu tiên khi sử dụng các dịch vụ theo quy định của Luật người cao tuổi 2009 và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hoá, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch và nghỉ ngơi;

- Được tạo điều kiện làm việc phù hợp với sức khoẻ, nghề nghiệp và các điều kiện khác để phát huy vai trò người cao tuổi; 

- Được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội, trừ trường hợp tự nguyện đóng góp;

- Được ưu tiên nhận tiền, hiện vật cứu trợ, chăm sóc sức khỏe và chỗ ở nhằm khắc phục khó khăn ban đầu khi gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc rủi ro bất khả kháng khác;

- Được tham gia Hội người cao tuổi Việt Nam theo quy định của Điều lệ Hội;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Quy định về chăm sóc sức khỏe đối với người cao tuổi

2.1. Khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi

Cụ thể tại Điều 12 Luật người cao tuổi 2009 quy định về khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi như sau:

- Ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi:

+ Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng;

+ Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.

- Các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm sau đây:

+ Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi;

+ Phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình;

+ Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại,

Hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là người cao tuổi.

- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh miễn phí cho người cao tuổi.

2.2. Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nơi cư trú

Vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại nơi cư trú được quy định như sau:

(1) Trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm sau đây:

(i) Triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức phổ thông về chăm sóc sức khỏe;

Hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khoẻ;

(ii) Lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khoẻ người cao tuổi;

(iii) Khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn cho người cao tuổi;

(iv) Phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi.

(2) Trạm y tế xã, phường, thị trấn cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hỗ trợ việc đưa người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của trạm y tế xã, phường, thị trấn.

(3) Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi tại nơi cư trú.

(4) Kinh phí để thực hiện các quy định tại (i), (ii), (iv) mục (1) và mục (2) do ngân sách nhà nước bảo đảm.

(Điều 13 Luật người cao tuổi 2009)

3. Chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi

Theo Điều 4 Luật người cao tuổi 2009, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi bao gồm:

- Bố trí ngân sách hằng năm phù hợp để thực hiện chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi.

- Bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi theo quy định của Luật người cao tuổi 2009 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Lồng ghép chính sách đối với người cao tuổi trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát triển ngành lão khoa đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi; đào tạo nhân viên chăm sóc người cao tuổi.

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho người cao tuổi rèn luyện sức khoẻ; tham gia học tập, hoạt động văn hoá, tinh thần; sống trong môi trường an toàn và được tôn trọng về nhân phẩm; phát huy vai trò người cao tuổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Khuyến khích, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức kính trọng, biết ơn người cao tuổi, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

- Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

- Xử lý nghiêm minh cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật người cao tuổi 2009 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nguyễn Thị Hoài Thương

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2438 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;