Quy định về áp dụng án lệ trong xét xử

Quy định về áp dụng án lệ trong xét xử
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi việc áp dụng án lệ trong xét xử hiện nay được pháp luật quy định như thế nào? - Hồng Loan (Cần Thơ)

Quy định về áp dụng án lệ trong xét xử

Quy định về áp dụng án lệ trong xét xử (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Quy định về áp dụng án lệ trong xét xử

Quy định về áp dụng án lệ trong xét xử theo Điều 8 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP như sau:

- Án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố.

- Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án.

- Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

2. Quy định về công bố án lệ

Quy định về công bố án lệ theo Điều 7 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP như sau:

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành quyết định công bố án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua.

- Nội dung công bố bao gồm:

+ Số, tên án lệ;

+ Số, tên bản án, quyết định của Tòa án có nội dung được phát triển thành án lệ;

+ Tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ;

+ Quy định của pháp luật có liên quan đến án lệ;

+ Từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ;

+ Các tình tiết trong vụ án và phán quyết của Tòa án có liên quan đến án lệ;

+ Nội dung của án lệ.

- Án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao; được gửi cho các Tòa án, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và được đưa vào Tuyển tập án lệ để xuất bản.

3. Quy định về Hội đồng tư vấn án lệ

Quy định về Hội đồng tư vấn án lệ theo Điều 5 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP như sau:

- Hội đồng tư vấn án lệ do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thành lập gồm có ít nhất 09 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, 01 Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học Tòa án nhân dân tối cao, các thành viên khác là đại diện Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia về pháp luật và 01 đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao (đồng thời là Thư ký Hội đồng).

Trường hợp tư vấn án lệ về hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Hội đồng tư vấn án lệ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ.

- Việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kết quả tư vấn.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

225 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;