Xin hỏi việc quản lý chất lượng giống cây trồng được pháp luật quy định như thế nào? - Quang Anh (Bến Tre)
Việc quản lý chất lượng giống cây trồng được quy định tại Luật Trồng trọt 2018 và các quy định liên quan với các nội dung cơ bản sau đây:
- Quản lý chất lượng giống cây trồng bao gồm quản lý chất lượng giống và quản lý chất lượng vật liệu nhân giống theo quy định của Luật Trồng trọt 2018 và pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
- Chất lượng giống cây trồng được quản lý theo tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở đối với từng loài cây trồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 và điểm b khoản 1 Điều 17 Luật Trồng trọt 2018.
- Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng được quản lý như sau:
+ Vật liệu nhân giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng chính được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng và tiêu chuẩn do người sản xuất, nhập khẩu công bố áp dụng;
+ Vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính là sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính được quản lý trên cơ sở tiêu chuẩn về chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng do tổ chức, cá nhân công bố áp dụng.
Căn cứ: Điều 25 Luật Trồng trọt 2018
Quy định quản lý chất lượng giống cây trồng (Hình từ internet)
(1) Việc kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng được quy định tại Điều 26 Luật Trồng trọt 2018 như sau:
- Kiểm định ruộng giống được thực hiện trong quá trình sản xuất giống cây trồng theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống, do người được tập huấn nghiệp vụ thực hiện.
- Lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp lấy mẫu giống cây trồng, do người được tập huấn nghiệp vụ thực hiện.
(2) Tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng
Theo Điều 6 Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT thì người kiểm định ruộng giống, người lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng phải được tập huấn và được cấp Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng (sau đây gọi là Giấy chứng nhận).
Nội dung tập huấn về kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng gồm: quy định của pháp luật về quản lý chất lượng giống cây trồng; phương pháp kiểm định ruộng giống, phương pháp lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng theo TCVN; thực hành kiểm định trên đồng ruộng, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng.
Cục Trồng trọt xây dựng, ban hành tài liệu khung về tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; phối hợp với tổ chức có chức năng đào tạo về kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng tổ chức tập huấn.
Tổ chức có chức năng đào tạo về kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng căn cứ vào tài liệu khung do Cục Trồng trọt ban hành, xây dựng tài liệu chi tiết và tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng, cấp Giấy chứng nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 26/2019/TT-BNNPTNT, báo cáo Cục Trồng trọt danh sách người được cấp Giấy chứng nhận sau 03 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận.
Việc ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng thực hiện theo quy định tại Điều 27 Luật Trồng trọt 2018 như sau:
- Ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng thực hiện theo quy định của Luật Trồng trọt 2018, pháp luật về thương mại, quảng cáo.
- Nội dung ghi nhãn và quảng cáo giống cây trồng phải phù hợp với thông tin đã công bố trong hồ sơ đăng ký cấp quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng được cơ quan có thẩm quyền xác nhận hoặc nội dung tự công bố lưu hành giống cây trồng.
Mai Thanh Lợi
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |