Xin hỏi theo quy định thì việc hoàn trả tài sản trưng dụng được thực hiện như thế nào? Và việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra cụ thể ra sao? - Nguyệt Anh (Lào Cai)
Việc hoàn trả tài sản trưng dụng thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, cụ thể như sau:
- Tài sản trưng dụng được hoàn trả khi hết thời hạn trưng dụng theo quyết định trưng dụng tài sản.
- Quyết định hoàn trả tài sản trưng dụng phải được lập thành văn bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng;
+ Tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng hoặc người quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản;
+ Tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản hoàn trả;
+ Thời gian và địa điểm hoàn trả tài sản.
- Thành phần tham gia hoàn trả tài sản trưng dụng:
+ Cá nhân, đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng;
+ Người có tài sản trưng dụng, người đại diện hợp pháp hoặc người quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản.
- Việc hoàn trả tài sản trưng dụng phải được lập thành biên bản. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm có:
+ Tên, địa chỉ của người có tài sản trưng dụng, người đại diện hợp pháp hoặc người quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản;
+ Tên, chủng loại, số lượng, hiện trạng của từng tài sản hoàn trả;
+ Thời gian và địa điểm hoàn trả.
- Trường hợp người có tài sản trưng dụng hoặc người quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản không đến nhận tài sản thì tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng tiếp tục quản lý và tài sản được xử lý theo quy định của pháp luật dân sự. Trường hợp người có tài sản trưng dụng tự nguyện hiến, tặng cho tài sản cho Nhà nước thì xác lập sở hữu Nhà nước đối với tài sản đó. Việc hiến, tặng cho tài sản được lập thành văn bản.
Quy định hoàn trả tài sản trưng dụng và bồi thường thiệt hại nếu có (Hình từ internet)
Người có tài sản trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
- Tài sản trưng dụng bị mất;
- Tài sản trưng dụng bị hư hỏng;
- Người có tài sản trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây ra.
Mức bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra do người quyết định trưng dụng tài sản thỏa thuận với người có tài sản trưng dụng theo nguyên tắc quy định tại các điều 35, 36 và 37 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. Trường hợp không thỏa thuận được thì người quyết định trưng dụng tài sản quyết định mức bồi thường; nếu người có tài sản trưng dụng không đồng ý với mức bồi thường này thì vẫn phải chấp hành nhưng có quyền khiếu nại. Trong trường hợp cần thiết, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản có thể thành lập hội đồng để xác định mức bồi thường.
Trường hợp người có tài sản trưng dụng không nhận bồi thường thì được ghi vào biên bản hoàn trả tài sản.
Trường hợp tài sản trưng dụng là tài sản nhà nước giao cho các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bị mất hoặc bị hư hỏng thì được bố trí kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để mua mới hoặc sửa chữa.
Căn cứ: Điều 34 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008
Mai Thanh Lợi
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |