Xin cho tôi hỏi quên giấy phép lái xe, chứng minh với CSGT bằng cách nào? - Minh Kha (Bình Dương)
Quên giấy phép lái xe, chứng minh với CSGT bằng cách nào? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP:
- Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo Giấy phép lái xe sẽ bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng. Người điều khiển xe ô tô không mang theo giấy phép lái xe bị phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng.
- Trường hợp không có giấy phép lái xe:
+ Xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175cm3 bị phạt 01 - 02 triệu đồng;
+ Xe mô tô hai bánh và các loại xe tương tự xe mô tô có dung tích xi lanh trên 175cm3 bị phạt từ 04 - 05 triệu đồng;
+ Xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt từ 10 - 12 triệu đồng.
Có thể thấy, mức phạt đối với hành vi không có giấy phép lái xe cao hơn gấp nhiều lần hành vi quên giấy phép lái xe.
Theo khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) theo quy định, xử lý như sau:
- Người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện về hành vi không có giấy tờ (tương ứng với những loại giấy tờ không xuất trình được), đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện về những hành vi vi phạm tương ứng quy định tại Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và tạm giữ phương tiện theo quy định;
- Trong thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, nếu người vi phạm xuất trình được các giấy tờ theo quy định thì người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt về hành vi không mang theo giấy tờ đối với người điều khiển phương tiện (không xử phạt đối với chủ phương tiện);
- Quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm mới xuất trình được hoặc không xuất trình được giấy tờ theo quy định thì phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định đối với các hành vi vi phạm đã ghi trong biên bản vi phạm hành chính.
Lưu ý: Khi phương tiện bị tạm giữ theo quy định, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí (nếu có) cho việc sử dụng phương tiện khác thay thế để vận chuyển người, hàng hóa được chở trên phương tiện bị tạm giữ.
Như vậy, nếu quên mang bằng lái, người tham gia giao thông chỉ cần xuất trình bổ sung khi đến giải quyết vi phạm trong đúng thời hạn.
Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư 32/2023/TT-BCA, CSGT được phép kiểm tra các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông như sau:
- Giấy phép lái xe;
- Chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, Bằng, Chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng;
- Giấy đăng ký xe hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực (trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe);
- Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy xác nhận thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định (đối với loại phương tiện giao thông có quy định phải kiểm định);
- Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và giấy tờ cần thiết khác có liên quan theo quy định (sau đây gọi chung là giấy tờ).
Khi các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ;
Căn cứ quy định trên, người dân có thể sử dụng giấy tờ xe tích hợp trên VNeID để xuất trình khi được yêu cầu kiểm tra giấy tờ.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |