Cho tôi hỏi việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền được quy định như thế nào? - Tuyết Vân (Đồng Nai)
Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 như sau:
- Căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền quy định tại Điều 15 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, đối tượng báo cáo xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền. Quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền bao gồm cả việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng.
- Đối tượng báo cáo áp dụng các biện pháp tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền của khách hàng theo quy định sau đây:
+ Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, đối tượng báo cáo có thể thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ sau lần đầu thiết lập quan hệ với khách hàng;
+ Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, đối tượng báo cáo phải nhận biết khách hàng quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022;
+ Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao, ngoài các biện pháp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022, đối tượng báo cáo phải áp dụng biện pháp tăng cường bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng tăng cường và giám sát chặt chẽ các giao dịch của khách hàng.
Quy định về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền theo Điều 6 Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 như sau:
- Hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, các bên cùng có lợi, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài.
Trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền với các nội dung sau đây:
+ Xác định, phong tỏa tài sản của người phạm tội rửa tiền;
+ Thực hiện tương trợ tư pháp;
+ Trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài;
+ Nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, trợ giúp tài chính và trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống rửa tiền;
+ Nội dung hợp tác khác về phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong quá trình hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, có thể từ chối trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền trong các trường hợp sau đây:
+ Thông tin được yêu cầu trao đổi, cung cấp, chuyển giao có thể gây tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia hoặc lợi ích quan trọng khác của Việt Nam;
+ Thông tin được yêu cầu trao đổi, cung cấp, chuyển giao không phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài hoặc quy định của pháp luật Việt Nam;
+ Yêu cầu trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật;
+ Cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không cam kết hoặc không thực hiện bảo mật thông tin được trao đổi, cung cấp, chuyển giao theo chế độ bảo mật tương ứng với quy định về bảo vệ bí mật nhà nước của Việt Nam đối với thông tin mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong nước trao đổi, cung cấp, chuyển giao.
- Quy trình, thủ tục, phương thức hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hằng năm hoặc khi có yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có trách nhiệm cung cấp nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |