Xin hỏi nội dung văn bản đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể gồm những gì? - Văn Hậu (Long An)
Khi có nhu cầu thương lượng tập thể có nhiều doanh nghiệp tham gia thông qua Hội đồng thương lượng tập thể, trên cơ sở đồng thuận, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở của các doanh nghiệp tham gia thương lượng tập thể nhiều doanh nghiệp (sau đây gọi là các bên) cử một người đại diện gửi văn bản đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể đến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi đặt trụ sở chính của các doanh nghiệp hoặc nơi được các bên lựa chọn theo quy định pháp luật.
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định văn bản đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể phải có các thông tin chủ yếu sau:
- Danh sách dự kiến các doanh nghiệp tham gia thương lượng tập thể nhiều doanh nghiệp, trong đó ghi rõ tên doanh nghiệp; trụ sở chính; họ tên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; họ tên người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
- Họ tên, chức vụ hoặc chức danh của người được các bên đồng thuận cử làm Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể, kèm theo văn bản đồng ý của người được đề nghị làm Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể. Trường hợp trong văn bản không đề nghị người làm Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
- Danh sách các thành viên đại diện của mỗi bên tham gia thương lượng trong Hội đồng thương lượng tập thể;
- Dự kiến nội dung đã được các bên thống nhất về nội dung thương lượng, thời gian hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể, kế hoạch thương lượng tập thể, hoạt động hỗ trợ của Hội đồng thương lượng tập thể (nếu có).
Nội dung văn bản đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể (Hình từ internet)
Căn cứ khoản 4 Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động cấp tỉnh, các doanh nghiệp đề nghị thành lập Hội đồng thương lượng tập thể và các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan để tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phương án thành lập Hội đồng thương lượng tập thể. Nội dung phương án bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
- Cơ cấu thành phần của Hội đồng thương lượng tập thể, gồm:
+ Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể;
+ Đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
+ Đại diện thương lượng tập thể của các bên;
+ Các bộ phận khác (nếu có).
- Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thương lượng tập thể, Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể và các bộ phận khác (nếu có).
- Thời gian hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể.
- Kế hoạch hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể.
- Kinh phí hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể.
- Dự thảo quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể.
Trường hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị không thành lập Hội đồng thương lượng tập thể thì nêu rõ lý do.
Trong quá trình hoạt động, khi cần thay đổi Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể, đại diện Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch, thời gian hoạt động của Hội đồng thương lượng tập thể để phù hợp với tình hình thực tế thì Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể đương nhiệm đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thương lượng tập thể đương nhiệm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung quyết định thành lập Hội đồng thương lượng tập thể. Trường hợp không sửa đổi, bổ sung thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Mai Thanh Lợi
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |