Nội dung bài viết trình bày nội dung kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư theo quy định pháp luật hiện hành.
Nội dung kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư 2024 (Hình ảnh từ Internet)
Tại Điều 14 Luật Luật sư 2006 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư 2012) quy định về tập sự hành nghề luật sư như sau:
- Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật Luật sư 2006 được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư.
Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Luật Luật sư 2006. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.
Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 85 Luật Luật sư 2006. Tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự.
- Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.
Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát việc tập sự hành nghề luật sư.
- Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.
Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.
Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006.
Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư là bài kiểm tra cuối cùng để được đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và chính thức trở thành một luật sư chuyên nghiệp.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 10/2021/TT-BTP, đối tượng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư bao gồm:
- Người hoàn thành thời gian tập sự theo quy định của Luật Luật sư 2006 và Thông tư 10/2021/TT-BTP;
- Người không đạt yêu cầu kiểm tra trong các kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư trước đó;
- Người có Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hết hiệu lực.
Bài kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư sẽ gồm những nội dung và hình thức sau:
* Về mặt nội dung
- Kỹ năng tham gia tố tụng;
- Kỹ năng tư vấn pháp luật;
- Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác;
- Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam;
- Những Kỹ năng khác trong tập sự hành nghề luật sư
+ Pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
+ Kỹ năng nghiên cứu, thu thập tài liệu và đề xuất hướng giải quyết hồ sơ vụ việc.
+ Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự.
+ Kỹ năng tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
+ Kỹ năng tư vấn pháp luật.
+ Kỹ năng đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật.
+ Kỹ năng thực hiện dịch vụ pháp lý khác.
* Hình thức kiểm tra
- Kiểm tra viết bao gồm hai bài kiểm tra
+ Bài kiểm tra viết thứ nhất về các kỹ năng tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện dịch vụ pháp lý khác. Thời gian làm bài kiểm tra viết thứ nhất là 180 phút.
+ Bài kiểm tra viết thứ hai về pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Thời gian làm bài kiểm tra viết thứ hai là 90 phút.
- Kiểm tra thực hành:
Thí sinh trình bày, bảo vệ quan điểm về một vụ, việc tự chọn mà mình tham gia trong thời gian tập sự và trả lời câu hỏi của thành viên Ban Chấm thi thực hành có liên quan đến vụ, việc.
(Điều 17 Thông tư 10/2021/TT-BTP)
* Lưu ý:
- Việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được tổ chức ít nhất 06 tháng 01 lần.
- Kết quả bài thi sẽ được công bố trong vòng 15 ngày kể từ ngày kết thúc việc chấm thi.
- Thí sinh đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư khi mỗi bài kiểm tra đạt từ 50 điểm trở lên.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả kiểm tra, thí sinh không đồng ý với kết quả kiểm tra viết của mình có quyền làm đơn phúc tra gửi Chủ tịch Hội đồng kiểm tra. Quá thời hạn này sẽ không được quyền phúc tra
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |