Nội dung và nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo được quy định thế nào? - Thành Tân (Hậu Giang)
Nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo theo Điều 43 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 như sau:
- Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo; tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
- Định kỳ quan trắc và đánh giá hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo.
- Điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của các khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải.
- Phòng ngừa, phát hiện, xử lý, khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo; cải thiện và phục hồi môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo bị ô nhiễm và suy thoái.
- Xác định cấp rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; phân vùng rủi ro và lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
- Ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển.
- Cấp phép, kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển.
- Phối hợp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và cơ quan, tổ chức nước ngoài trong việc chia sẻ thông tin, đánh giá chất lượng môi trường nước biển; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới theo quy định của pháp luật.
- Công khai các vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, thông tin về môi trường nước, môi trường trầm tích của các khu vực biển, hải đảo.
Nguyên tắc kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo theo Điều 42 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 như sau:
- Kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo phải được thực hiện thường xuyên, ưu tiên công tác phòng ngừa; kịp thời xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng ô nhiễm, sự cố môi trường biển, suy thoái môi trường biển và hải đảo.
- Các khu vực biển phải được phân vùng rủi ro ô nhiễm để có giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo hiệu quả.
- Các nguồn thải từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, chất thải không rõ nguồn gốc và xuyên biên giới phải được kiểm soát. Việc kiểm soát các nguồn thải, chất thải phải xem xét đến sức chịu tải môi trường của khu vực biển và hải đảo.
- Ứng phó có hiệu quả sự cố môi trường biển, kịp thời ngăn chặn lan truyền ô nhiễm trong sự cố môi trường biển.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển từ các hoạt động trên biển theo Điều 45 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 như sau:
- Chất thải nguy hại từ các hoạt động trên biển phải được thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Các công trình, thiết bị trên biển sau khi hết thời hạn sử dụng mà không tiếp tục sử dụng phải được tháo dỡ, vận chuyển về đất liền hoặc nhận chìm theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và pháp luật có liên quan.
- Chủ phương tiện vận chuyển, lưu giữ xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ, chất độc và các chất khác có nguy cơ gây ra sự cố môi trường biển phải có kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường; bảo đảm không làm rò rỉ, thất thoát, tràn thấm ra biển xăng, dầu, hóa chất, chất phóng xạ, các chất độc và các chất khác có nguy cơ gây ra sự cố môi trường.
- Nước thải từ tàu thuyền, giàn khoan, giàn khai thác dầu khí và các công trình, thiết bị khác trên biển; bùn dầu và bùn chứa hợp chất độc hại trong thăm dò, khai thác dầu khí phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển.
- Nước dằn tàu, nước súc, rửa tàu, nước la canh phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, không được pha loãng nhằm đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra biển.
- Việc thải nước dằn tàu, nước súc, rửa tàu, nước la canh và nước thải từ tàu thuyền thực hiện theo quy định của pháp luật về hàng hải, bảo vệ môi trường, pháp luật có liên quan của Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Chất thải rắn phát sinh từ tàu thuyền, giàn khoan, giàn khai thác dầu khí, công trình và thiết bị khác trên biển phải được quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật; bùn nạo vét luồng hàng hải, cảng biển phải được vận chuyển về đất liền hoặc nhận chìm theo quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 và pháp luật có liên quan.
- Cảng biển phải có hệ thống tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt, dầu cặn từ các phương tiện trên biển.
- Chất thải trôi nổi trên biển và ven bờ biển phải được thu gom, phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |