Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những gì?

Xin hỏi theo quy định khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bao gồm những gì? - Phương Uyên (Phú Yên)

Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những gì?

Căn cứ Điều 39 Luật Đấu thầu 2023 quy định nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải bao gồm:

(1) Tên gói thầu:

Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần.

(2) Giá gói thầu:

- Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

- Đối với gói thầu chia phần thì ghi rõ giá gói thầu và giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu;

- Đối với gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm nêu tại điểm (8), giá gói thầu không bao gồm giá trị của tùy chọn mua thêm.

(3) Nguồn vốn:

Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt. Trường hợp sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài thì phải ghi rõ tên nhà tài trợ và cơ cấu nguồn vốn, bao gồm vốn tài trợ, vốn đối ứng trong nước. Đối với dự toán mua sắm, trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo.

(4) Hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu:

- Đối với mỗi gói thầu phải xác định cụ thể hình thức và phương thức lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà thầu trong nước hoặc quốc tế; áp dụng hoặc không áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng;

- Đối với dự án áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, ghi theo nội dung phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

(5) Thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu:

Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu và thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu. Thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, được ghi rõ theo tháng hoặc quý trong năm. Trường hợp đấu thầu rộng rãi có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu được tính từ khi phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển.

(6) Loại hợp đồng:

- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải xác định cụ thể loại hợp đồng theo quy định tại Điều 64 Luật Đấu thầu 2023 để làm căn cứ lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; ký kết hợp đồng;

- Đối với dự án áp dụng kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, ghi theo nội dung phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu.

(7) Thời gian thực hiện gói thầu:

Thời gian thực hiện gói thầu được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày nghiệm thu hoàn thành công trình, hàng hóa (bao gồm cả dịch vụ liên quan, nếu có), dịch vụ phi tư vấn, tư vấn. Thời gian thực hiện gói thầu được tính theo số ngày, số tuần, số tháng hoặc số năm, không bao gồm thời gian hoàn thành nghĩa vụ bảo hành, thời gian giám sát tác giả đối với gói thầu tư vấn (nếu có).

(8) Tùy chọn mua thêm (nếu có):

- Tùy chọn mua thêm là khả năng chủ đầu tư mua bổ sung hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn của gói thầu ngoài khối lượng nêu trong hợp đồng;

- Trường hợp gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ khối lượng, số lượng, giá trị ước tính của phần tùy chọn mua thêm;

- Tùy chọn mua thêm được thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện: nhà thầu đã trúng thầu thông qua đấu thầu rộng rãi, đàm phán giá; khối lượng mua thêm không vượt 30% của khối lượng hạng mục tương ứng nêu trong hợp đồng; có dự toán được phê duyệt đối với khối lượng mua thêm; đơn giá của hàng hóa, dịch vụ mua thêm không được vượt đơn giá của các hàng hóa, dịch vụ tương ứng trong hợp đồng; chỉ áp dụng trong thời gian có hiệu lực của hợp đồng.

(9) Giám sát hoạt động đấu thầu (nếu có).

Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những gì?

Nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu gồm những gì? (Hình từ internet)

Nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu

Căn cứ Điều 37 Luật Đấu thầu 2023 quy định nguyên tắc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu như sau:

- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm. Đối với dự toán mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu có thể được lập trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo. Trường hợp chưa đủ điều kiện lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho toàn bộ dự án, dự toán mua sắm thì lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho một hoặc một số gói thầu để thực hiện trước.

- Trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ thời gian thực hiện gói thầu, giá gói thầu trên cơ sở toàn bộ thời gian thực hiện gói thầu.

- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải ghi rõ số lượng gói thầu và nội dung của từng gói thầu.

- Việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện; bảo đảm tính đồng bộ của dự án, dự toán mua sắm và phù hợp với kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu được duyệt (nếu có).

- Kế hoạch lựa chọn nhà thầu được lập sau khi có dự toán mua sắm, quyết định phê duyệt dự án hoặc đồng thời với quá trình lập dự án, dự toán mua sắm hoặc trước khi có quyết định phê duyệt dự án đối với gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án.

Mai Thanh Lợi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

890 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;