Xin cho tôi hỏi những ngành nghề nào có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? - Hoàng Ngân (Bình Phước)
Những ngành nghề nào có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp? (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 8 Thông tư 07/2016/TT-BLĐTBXH quy định về ngành nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
- Khai khoáng, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm dầu mỏ tinh chế.
- Sản xuất hóa chất, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic.
- Sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại.
- Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim.
- Thi công công trình xây dựng.
- Đóng và sửa chữa tàu biển.
- Sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
- Chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.
- Sản xuất sản phẩm dệt, may, da, giày.
- Tái chế phế liệu.
- Vệ sinh môi trường.
Tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:
(1) Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;
(2) Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:
- Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
- Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
- Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;
(3) Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
(4) Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
- Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
(5) Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản (4) với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
(6) Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
(7) Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
(8) Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
(9)Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
(10) Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản (3), (4) và (5) là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động quy định tại Điều 40 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 bao gồm:
- Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
- Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
- Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 5 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Không thông tin cho người lao động về một trong các nội dung sau: tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; các yếu tố nguy hiểm, có hại; các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;
- Không tổ chức nhận diện, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc;
- Không có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.
Lưu ý: căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, đối với hành vi không thông tin cho người lao động về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp NSDLĐ có thể bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đối với tổ chức vi phạm.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |