Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thúy Trọng

Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có nhiệm vụ và quyền hạn nhất định trong thẩm quyền của mình.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Hình từ Internet)

Vị trí và chức năng của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (sau đây gọi tắt là Thanh tra) là cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của Bộ trưởng, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

Thanh tra có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Ministry Inspectorate, viết tắt là MI.

(Điều 1 Quyết định 968/QĐ-BLĐTBXH năm 2024)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Cụ thể tại Điều 2 Quyết định 968/QĐ-BLĐTBXH năm 2024 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:

- Chủ trì hoặc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo sự phân công của Bộ trưởng; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

- Chủ trì xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của Bộ; hướng dẫn xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của Bộ trình Bộ trưởng ban hành.

- Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của Thanh tra; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra thuộc trách nhiệm của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ.

- Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ:

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật về lao động; việc làm; bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện), bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (trừ nội dung thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp); thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về trách nhiệm tham gia bảo hiểm y tế của người sử dụng lao động và đối tượng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế;

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng;

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật về trẻ em trong phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ;

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật về giảm nghèo và trợ giúp xã hội;

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội;

+ Thanh tra việc chấp hành pháp luật về bình đẳng giới trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của Bộ;

+ Thanh tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội khi được Bộ trưởng giao.

- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức và cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; thanh tra công vụ; thanh tra việc thực hiện hoạt động nghề nghiệp của viên chức thuộc ngành, lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra về nội dung có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc khác và tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của Nhà nước, của Bộ, ngành liên quan khi được Bộ trưởng giao.

- Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra và quyết định xử lý sau thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ; quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ khi cần thiết theo quy định của pháp luật.

- Thanh tra lại vụ việc đã có kết luận thanh tra của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ; vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã có kết luận của Thanh tra Sở nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.

- Điều tra tai nạn lao động và những vi phạm tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động; tham gia xây dựng và hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

- Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi quản lý của Bộ; thực hiện tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.

- Giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.

- Hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân cho thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành và công chức làm công tác thanh tra thuộc Bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra thuộc Bộ báo cáo về công tác thanh tra; tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Chánh Thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng.

- Thực hiện nghiên cứu khoa học; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật theo phân công của Bộ.

- Tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về công tác thanh tra, tiếp công dân, xử lý đơn, thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định; tổng kết kinh nghiệm, nghiệp vụ thanh tra lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

- Thực hiện hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế theo sự phân công của Bộ.

- Quản lý công chức, người lao động, cơ sở vật chất, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;