Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Đăng kiểm

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Đăng kiểm
Nguyễn Thị Diễm My

Chi cục Đăng kiểm có tư cách pháp nhân không? Chi cục Đăng kiểm có nhiệm vụ và quyền hạn gì? – Như Hảo (Khánh Hòa)

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Đăng kiểm

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Đăng kiểm (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Vị trí và chức năng của Chi cục Đăng kiểm

Chi cục Đăng kiểm là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có chức năng tham mưu, giúp Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện quản lý nhà nước về đăng kiểm đối với phương tiện giao thông, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, công-te-nơ sử dụng trong giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải (sau đây gọi tắt là phương tiện, thiết bị giao thông vận tải) và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển, máy, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá); tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm về chất lượng an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, an toàn lao động đối với các loại phương tiện, thiết bị nêu trên theo quy định của pháp luật, trong phạm vi quản lý theo phân công của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Chi cục Đăng kiểm có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng. Trụ sở Chi cục Đăng kiểm đặt tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định 2836/QĐ-BGTVT ngày 05/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

(Điều 1 Quyết định 1303/QĐ-BGTVT năm 2020)

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Đăng kiểm

Nhiệm vụ và quyền hạn của Chi cục Đăng kiểm bao gồm:

- Xây dựng trình Cục trưởng kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm về tổ chức thực hiện công tác kiểm tra chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại phương tiện, thiết bị thuộc phạm vi quản lý.

- Tổ chức thực hiện, rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan tới hoạt động đăng kiểm.

- Tổ chức thực hiện công tác đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển và các phương tiện, thiết bị khác thuộc phạm vi quản lý (trừ phương tiện, thiết bị phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá), bao gồm:

+ Thẩm định thiết kế trong sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện, thiết bị theo quy định của pháp luật và ủy quyền của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam;

+ Kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong chế tạo, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải, nhập khẩu, xuất khẩu và khai thác sử dụng các loại phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Kiểm tra, đánh giá, cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn, an ninh, lao động hàng hải theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế liên quan đến an toàn, an ninh và lao động hàng hải mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

+ Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và phòng ngừa ô nhiễm môi trường cho tàu biển nước ngoài theo thông lệ quốc tế hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;

+ Kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với thiết bị xếp dỡ, thi công chuyên dùng, công-te-nơ, thiết bị đóng gói hàng nguy hiểm sử dụng trong giao thông vận tải; các loại máy, thiết bị, vật tư sử dụng cho phương tiện, thiết bị giao thông vận tải trong chế tạo, lắp ráp, sửa chữa phục hồi, hoán cải, nhập khẩu, xuất khẩu;

+ Kiểm định các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động được lắp đặt, sử dụng trên các loại phương tiện giao thông vận tải và các công trình trên biển phục vụ thăm dò, khai thác dầu khí; hệ thống đường ống dẫn dầu, khí đốt trên biển; các phương tiện, thiết bị xếp dỡ có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động chuyên dùng trong cảng biển, cảng, bến thủy nội địa, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thủy, phương tiện đường sắt;

+ Giám định trạng thái kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc theo đề nghị của các tổ chức, cá nhân khác;

+ Tham gia điều tra sự cố, tai nạn phương tiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước;

+ Tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng giá, phí, lệ phí liên quan đến công tác đăng kiểm và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đăng kiểm trong phạm vi địa bàn quản lý.

- Tổ chức đánh giá và cấp thông báo cơ sở đủ điều kiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện, thiết bị giao thông vận tải và thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển; các cơ sở bảo dưỡng, kiểm tra, thử nghiệm phục vụ công tác đăng kiểm theo quy định của pháp luật (không bao gồm tàu cá).

- Tổ chức sát hạch, cấp giấy chứng nhận thợ hàn của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy.

- Tham gia tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hành, đánh giá đăng kiểm viên, kiểm định viên, nhân viên nghiệp vụ đăng kiểm theo yêu cầu của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đăng kiểm; xây dựng, triển khai các chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu, dịch vụ thông tin phục vụ công tác quản lý và khai thác trong lĩnh vực đăng kiểm.

- Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách hành chính của Chi cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Tham gia bổ sung, sửa đổi, cập nhật các quy trình, hướng dẫn công việc liên quan và tổ chức thực hiện, duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO9001 có liên quan đến nhiệm vụ của Chi cục.

- Quản lý số lượng người làm việc, tài chính, tài sản và các trang thiết bị của Chi cục theo quy định của pháp luật và phân cấp của Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

- Thực hiện lưu trữ, quản lý, bảo mật hồ sơ, tài liệu liên quan của Chi cục theo quy định.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam giao.

(Điều 2 Quyết định 1303/QĐ-BGTVT năm 2020)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

565 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;