Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có những nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? – Thanh Tuyền (Bình Định)

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu

Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Các cơ quan thi hành án hình sự ở Việt Nam

Theo khoản 2 Điều 11 Luật Thi hành án hình sự 2019, các cơ quan thi hành án hình sự ở Việt Nam bao gồm:

- Trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu (sau đây gọi là trại giam);

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh);

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện);

- Cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương (sau đây gọi là cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu).

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu

Cụ thể tại Điều 15 Luật Thi hành án hình sự 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu như sau:

(1) Giúp Tư lệnh quân khu quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án hình sự trên địa bàn quân khu và tương đương:

- Chỉ đạo nghiệp vụ và kiểm tra công tác thi hành án hình sự;

- Quản lý trại giam thuộc quân khu;

- Tổng kết công tác thi hành án hình sự và thực hiện thống kê, báo cáo theo hướng dẫn của cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

(2) Tiếp nhận bản án, quyết định của Tòa án, quyết định thi hành án; hoàn chỉnh hồ sơ, lập danh sách người chấp hành án phạt tù để báo cáo, đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền quyết định; lập hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại.

(3) Đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với phạm nhân và rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, buộc người được hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ và buộc người đó phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành, trưng cầu giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật.

(4) Áp giải thi hành án đối với người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ, người bị Tòa án buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo, người bị Tòa án hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

(5) Tham gia thi hành án tử hình; quản lý số phạm nhân phục vụ việc tạm giữ, tạm giam theo quy định Luật Thi hành án hình sự 2019.

(6) Ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt người chấp hành án bỏ trốn.

(7) Quyết định trích xuất hoặc thực hiện lệnh trích xuất theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền.

(8) Tổ chức thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại theo quy định Luật Thi hành án hình sự 2019.

(9) Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp theo thẩm quyền.

(10) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án hình sự theo quy định Luật Thi hành án hình sự 2019 và Luật Tố cáo.

(11) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định Luật Thi hành án hình sự 2019.

3. Các nguyên tắc thi hành án hình sự

Việc thi hành án hình sự phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Luật Thi hành án hình sự 2019, cụ thể như sau:

- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.

- Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.

- Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.

- Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.

- Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.

- Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

- Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

736 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;