Xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa dựa trên những tiêu chí nào? Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được dựa trên những nguyên tắc nào? – Ngọc Sang (Bình Dương)
Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 5 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 như sau:
- Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tôn trọng quy luật thị trường, phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Bảo đảm công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện.
- Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực.
- Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước do các tổ chức, cá nhân tài trợ được thực hiện theo quy định của tổ chức, cá nhân đó nhưng không được trái quy định của pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời đáp ứng điều kiện của các mức hỗ trợ khác nhau trong cùng một nội dung hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan thì doanh nghiệp được lựa chọn mức hỗ trợ có lợi nhất.
Trường hợp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng đáp ứng điều kiện hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 thì ưu tiên lựa chọn doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động nữ hơn.
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa được nhận hỗ trợ khi đã thực hiện đầy đủ quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Điều 7 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 bao gồm:
- Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không đúng nguyên tắc, đối tượng, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Phân biệt đối xử, gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức, cá nhân hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin giả mạo, không trung thực liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Sử dụng nguồn lực hỗ trợ không đúng mục đích đã cam kết.
- Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:
+ Nguồn vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước;
+ Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
+ Nguồn vốn hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.
- Nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau đây phải được lập dự toán, thẩm định, phê duyệt, quyết toán theo quy định của pháp luật:
+ Nguồn vốn tín dụng có hỗ trợ, bảo lãnh của Nhà nước;
+ Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước;
+ Nguồn vốn hỗ trợ từ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và các khoản khác phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
(Điều 6 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017)
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa, có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau đây:
+ Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng;
+ Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng.
- Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp vừa được xác định theo lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; thương mại và dịch vụ.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |