Người bị hại là ai? Quyền và nghĩa vụ của người bị hại gồm những gì?

Xin hỏi người bị hại là ai? Quyền và nghĩa vụ của người bị hại gồm những gì? Trường hợp nào người bị hại dưới 18 tuổi phải cách ly với bị cáo trong quá trình xét xử? - Thanh Uyên (Lào Cai)

Người bị hại là ai? Quyền và nghĩa vụ của người bị hại gồm những gì? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Người bị hại là ai? 

Theo khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

2. Quyền và nghĩa vụ của người bị hại gồm những gì?

- Quyền của người bị hại được quy định như sau:

+ Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định;

+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

+ Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

+ Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;

+ Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;

+ Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;

+ Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;

+ Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;

+ Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;

+ Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

+ Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;

+ Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.

- Bị hại có nghĩa vụ:

+ Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;

+ Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại theo quy định tại nêu trên.

Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định nêu trên.

(Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015)

3. Trường hợp nào người bị hại dưới 18 tuổi phải cách ly với bị cáo trong quá trình xét xử?

Theo Điều 10 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định trong quá trình xét xử vụ án, Hội đồng xét xử phải cách ly người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo trong những trường hợp sau đây:

- Những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán;

- Những vụ án có người bị hại là người dưới 10 tuổi;

- Những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc người đại diện của họ và Hội đồng xét xử xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi.

Theo đó, trong quá trình xét xử những vụ án quy định nêu trên, người bị hại tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. 

Thông tin về diễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho họ theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

Người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý - xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.

Nguyễn Ngọc Quế Anh 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

4313 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;