Chính phủ ban hành Nghị quyết 34/NQ-CP năm 2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia năm 2030.
Nghị quyết về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia năm 2030 (Hình từ internet)
* Mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia năm 2030
Mục tiêu chung
Bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước trong mọi tình huống và một phần cho xuất khẩu; nâng cao thu nhập cho người dân để bảo đảm tiếp cận được lương thực chất lượng, an toàn thực phẩm; từng bước nâng cao tầm vóc, thể lực, trí lực người dân Việt Nam.
Mục tiêu cụ thể
- Bảo đảm nguồn cung lương thực
Sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, hàng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Phát triển rau đậu các loại với diện tích 1.2 - 1,3 triệu ha và sản lượng 23 - 24 triệu tấn; cây ăn quả với diện tích 1.3 - 1,4 triệu ha và sản lượng 16 - 17 triệu tấn; sản lượng thịt xẻ các loại 6,0 - 6,5 triệu tấn, sữa tươi 2,6 triệu tấn, trứng gia cầm 23 tỷ quả; sản lượng thủy sản 9 - 10 triệu tấn...
- Bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân
Nông dân sản xuất lúa ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung quy mô lớn có lãi bình quân trên 35% so với giá thành sản xuất. Thu nhập của người dân nông thôn cao hơn 2 lần năm 2020. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu thông, phân phối để tăng cơ hội tiếp cận lương thực cho người dân...
- Bảo đảm nhu cầu về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm
Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, giảm tỷ trọng sử dụng gạo, tăng sử dụng thịt, sữa, trứng, cá, rau, quả các loại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường. Nâng cao mức tiêu thụ calo lên trên 2.500 Kcal/người/ngày; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi còn dưới 19% và thể nhẹ cân còn dưới 10,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.
* Đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia
Đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai, đầu tư, tài chính, tín dụng, thương mại hỗ trợ cho nông dân, địa phương và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lương thực, thực phẩm, trong đó chú trọng lúa gạo:
- Điều chỉnh chính sách hỗ trợ các địa phương, hộ gia đình bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất lúa, nhất là đất lúa 2 vụ; thực hiện chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa.
- Điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương tập trung phát triển công nghiệp với các địa phương chuyên trồng lúa; hỗ trợ thỏa đáng cho các địa phương, hộ nông dân giữ ổn định đất trồng lúa.
- Có chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ, phát triển hệ thống dự trữ và bảo quản, chế biến lương thực, thực phẩm.
- Hoàn thiện cơ chế điều hành xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, phù hợp với cơ chế thị trường; kết hợp tốt giữa dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia để bảo đảm đáp ứng yêu cầu cứu trợ lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp.
- Lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm để giảm nghèo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình đầu tư công. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách trợ cấp gạo cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho người dân vùng bị thiếu đói do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh.
- Hoàn thiện các quy định pháp lý về thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm liên quan đến an ninh lương thực, thực phẩm; xử lý nghiêm các hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |