Xin hỏi mức phụ cấp hàng tháng cho dân quân tự vệ, ấp đội trưởng tại TPHCM là bao nhiêu?
Mức phụ cấp dân quân, ấp đội trưởng tại TPHCM (Hình từ internet)
Về vấn đề này, tại Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND của HĐND TPHCM về quy định chế độ phụ cấp hằng tháng của Khu (ấp) đội trưởng; mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm đối với Dân quân thường trực và Dân quân khi làm nhiệm vụ, quy định như sau:
Đối tượng áp dụng: Khu (ấp) đội trưởng, Dân quân thường trực, Dân quân tại chỗ, Dân quân cơ động, Dân quân phòng không, Dân quân pháo binh, Dân quân trinh sát, Dân quân công binh, Dân quân thông tin, Dân quân phòng hóa, Dân quân y tế trên địa bàn thành phố.
**Chế độ phụ cấp hằng tháng của Khu (ấp) đội trưởng như sau:
Khu (ấp) đội trưởng: là người chỉ huy lực lượng Dân quân tại chỗ ở Khu phố, ấp.
Khu (ấp) đội trưởng được hưởng phụ cấp hằng tháng bằng mức 800.000 đồng/người/tháng.
Chế độ trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm đối với Dân quân thường trực
Dân quân thường trực được hưởng trợ cấp ngày công lao động bằng mức 150.000 đồng/người/ngày; trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, được hưởng trợ cấp ngày công lao động tăng thêm 70.000 đồng/người/ngày.
Chế độ trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm đối với Dân quân khi làm nhiệm vụ (trừ Dân quân thường trực và Dân quân biển)
Dân quân tại chỗ, Dân quân cơ động, Dân quân phòng không, Dân quân pháo binh, Dân quân trinh sát, Dân quân công binh, Dân quân thông tin, Dân quân phòng hóa, Dân quân y tế khi được cấp có thẩm quyền điều động làm nhiệm vụ, được hưởng trợ cấp ngày công lao động bằng mức 150.000 đồng/người/ngày;
Trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, được hưởng trợ cấp ngày công lao động tăng thêm 70.000 đồng/người/ngày.
Ngân sách thành phố bố trí dự toán kinh phí tổ chức thực hiện Nghị quyết theo phân cấp ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành.
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ 2019, dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế gọi là tự vệ.
Hiện nay, có 5 thành phần dân quân tự vệ như sau:
- Dân quân tự vệ tại chỗ: lực lượng làm nhiệm vụ ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, thôn và ở cơ quan, tổ chức.
- Dân quân tự vệ cơ động: lực lượng cơ động làm nhiệm vụ trên các địa bàn theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Dân quân thường trực: lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.
- Dân quân tự vệ biển: lực lượng làm nhiệm vụ trên các hải đảo, vùng biển Việt Nam.
- Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế.
Độ tuổi tham gia Dân quân tự vệ
Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
Châu Thanh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |