Cho tôi hỏi hiện nay thì mức phạt vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi? - Trâm Thị (Bến Tre)
Mức phạt vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi ( Hình từ internet)
Theo Khoản 1, Khoản 2, Khoản 25 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 quy định như sau:
- Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
- Hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người.
- Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.
Bên cạnh đó, theo Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi như có bao gồm:
- Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi không phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
- Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng.
Căn cứ quy định tại Điều 28 Nghị định 14/2021/NĐ-CP và Khoản 15 Điều 4 Nghị định 07/2022/NĐ-CP về mức phạt vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi như sau:
- Hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh không tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
- Hành vi không ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
- Hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với chăn nuôi nông hộ;
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ;
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa;
+ Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.
- Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.
Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi bao gồm:
+ Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 28 Nghị định 14/2021/NĐ-CP; trường hợp không thể chuyển đổi được mục đích sử dụng thì buộc tiêu hủy;
+ Buộc tiêu hủy chất cấm và vật nuôi đã sử dụng chất cấm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 14/2021/NĐ-CP.
Như vậy, mức phạt vi phạm quy định về sử dụng chất cấm, thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh trong chăn nuôi có thể lên đến 80.000.000 đồng với cá nhân và 160.000.000 đồng với tổ chức. Khi hành vi vi phạm thuộc trường hợp tại Khoản 5 Điều 28 Nghị định 14/2021/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân vi phạm buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.
Nguyễn Phạm Nhựt Tân
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |