Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu trong dịch vụ bưu chính

Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu trong dịch vụ bưu chính
Trần Thanh Rin

Xin cho tôi hỏi mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu trong dịch vụ bưu chính là bao nhiêu? – Xuân Hiếu (Khánh Hòa)

Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu trong dịch vụ bưu chính

Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu trong dịch vụ bưu chính (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu?

Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu là mức bồi thường thấp nhất mà tổ chức, cá nhân phải bồi thường cho tổ chức, cá nhân bị thiệt hại đối với những thiệt hại do mình gây ra trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

(Khoản 1 Điều 2 Nghị định 47/2011/NĐ-CP)

2. Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu trong dịch vụ bưu chính

Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 47/2011/NĐ-CP, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tối thiểu được quy định như sau:

- Đối với dịch vụ bưu chính trong nước: 04 lần cước (đã bao gồm hoàn trả lại cước dịch vụ đã sử dụng) của dịch vụ đã sử dụng;

- Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng đường hàng không: 09 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram) nhưng không thấp hơn 30 SDR/bưu gửi, cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng;

- Đối với dịch vụ bưu chính quốc tế được vận chuyển bằng phương thức khác: 05 SDR/kg (được tính theo từng nấc khối lượng 500 gram, phần lẻ được tính bằng 500 gram), cộng với hoàn trả lại cước của dịch vụ đã sử dụng.

3. Các nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong dịch vụ bưu chính

Việc bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 24 Nghị định 47/2011/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Việc bồi thường thiệt hại trực tiếp được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính. Không bồi thường thiệt hại gián tiếp ngoài hợp đồng hoặc các nguồn lợi không thu được do việc cung ứng dịch vụ bưu chính không bảo đảm chất lượng mà hai bên đã thỏa thuận.

- Bưu gửi bị mất, hư hỏng hoặc tráo đổi toàn bộ thì được bồi thường theo quy định đối với từng loại dịch vụ. Mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp quy định không thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường của từng loại dịch vụ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 47/2011/NĐ-CP.

- Không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau đây:

+ Dịch vụ bưu chính không có chứng từ xác nhận việc chấp nhận bưu gửi;

+ Người sử dụng dịch vụ không có chứng từ chứng minh việc sử dụng dịch vụ.

4. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính

Ngoài quyền và nghĩa vụ quy định tại Luật doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính còn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Thiết lập mạng bưu chính để cung ứng dịch vụ bưu chính;

- Được thanh toán đủ giá cước dịch vụ bưu chính mà mình cung ứng;

- Kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hoá trước khi chấp nhận;

- Từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính nếu phát hiện bưu gửi vi phạm quy định tại Điều 12 Luật Bưu chính 2010 và quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp;

- Xử lý bưu gửi không có người nhận quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Bưu chính 2010;

- Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về dịch vụ bưu chính cho người sử dụng dịch vụ bưu chính;

- Niêm yết công khai tại điểm phục vụ Danh mục vật phẩm, hàng hoá không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính quy định tại Điều 12 Luật Bưu chính 2010 và các quy định về điều kiện cung ứng dịch vụ bưu chính của doanh nghiệp;

- Bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 Luật Bưu chính 2010;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật khi cố ý chấp nhận bưu gửi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 7 và Điều 12 Luật Bưu chính 2010;

- Không được tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp quy định tại Điều 14 Luật Bưu chính 2010;

- Không được cung ứng dịch vụ bưu chính vi phạm quy định về phạm vi dịch vụ bưu chính dành riêng dưới mọi hình thức;

- Hưởng thù lao, chi phí hợp lý khi thay mặt người sử dụng dịch vụ bưu chính thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu bưu gửi quốc tế quy định tại Điều 15 Luật Bưu chính 2010;

- Thực hiện dịch vụ thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận, rút lại bưu gửi, chuyển tiếp, chuyển hoàn bưu gửi theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16, khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật Bưu chính 2010;

- Giải quyết khiếu nại, tranh chấp, bồi thường thiệt hại theo quy định Luật Bưu chính 2010 và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 29 Luật Bưu chính 2010)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1390 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;