Một số nội dung quan trọng trong Luật cán bộ, công chức 2008

Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Cán bộ, công chức. Luật gồm 10 chương, 87 điều. Luật có nhiều nội dung mới, quan trọng. Dưới đây là 5 nội dung cụ thể, được đông đảo các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

1. Xác định rõ ràng hơn ai là cán bộ, ai là công chức

Trước đây, Pháp lệnh chỉ quy định một cách chung nhất “Cán bộ, công chức quy định tại Pháp lệnh này là công dân Việt Nam, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước”, sau đó liệt kê ra 5 loại cán bộ, công chức. Quy định như thế rất khó phân biệt được thế nào là cán bộ và thế nào là công chức, do đó các vấn đề tiếp theo như chính sách, chế độ, quản lý…cũng chưa được phân định cho thật rõ ràng, rành mạch. Lần này Luật cán bộ công chức 2008 đã quy định phân biệt rõ nét hơn ai là cán bộ, và ai là công chức, thể hiện ở Điều 4 như sau:

“Điều 4. Cán bộ, công chức

1. Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.”

Cách quy định trên vừa làm rõ hơn ai là công chức, ai là cán bộ, vừa thuận tiện cho việc thực hiện các chế độ chính sách, phân cấp quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và nhiều việc khác.

2. Về cán bộ, công chức cấp xã

Từ chỗ chưa được điều chỉnh trong Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 1998 rồi được điều chỉnh một bộ phận là cán bộ chuyên trách trong lần thứ hai sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh vào năm 2003, đến lần này nâng Pháp lệnh lên thành Luật thì toàn bộ cán bộ và công chức cấp xã (như khoản 3 Điều 4 nói trên) đã được điều chỉnh trong Luật này. Như vậy, việc quy định cán bộ, công chức trong Luật vừa là kế thừa Pháp lệnh trước đó, vừa là phát triển cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có nhiều điểm khác so với đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương. Cán bộ, công chức cấp xã chia làm hai nhóm.

- Nhóm thứ nhất là các cán bộ được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ, bao gồm Bí thư, Phó bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân: Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc, Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ, Chủ tịch Hội nông dân (đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp), Chủ tịch Hội cựu chiến binh.

- Nhóm thứ hai là đội ngũ công chức bao gồm Trưởng công an, Chỉ huy trưởng quân sự, Văn phòng – Thống kê, Địa chính, xây dựng và đô thị (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính – Nông nghiệp và Xây dựng (đối với xã), Tài chính – Kế toán, Tư pháp – Hộ tịch, Văn hoá – Xã hội.

Cán bộ, công chức cấp xã khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm; khi thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xem xét chuyển thành công chức, trong trường hợp này được miễn chế độ tập sự và hưởng chế độ, chính sách liên tục; nếu không được chuyển thành công chức mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của pháp luật; trường hợp là cán bộ, công chức điều động, luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật (Điều 61 và 62 của Luật).

Ngoài hai nhóm cán bộ, công chức nói trên, ở cấp xã còn có một số lượng khá lớn những ngưòi hoạt động không chuyên trách, không hưởng lương mà chỉ được hưởng phụ cấp hoặc khoán phụ cấp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Đội ngũ này không phải là cán bộ, công chức.

Chính phủ sẽ quy định số lượng cán bộ, công chức, số lượng những người hoạt động không chuyên trách phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội, quy mô, đặc điểm của các địa phương.

Hiện nay, cả nước có trên 10.000 đơn vị hành chính cấp xã, tính đến ngày 01 tháng 01 năm 2008, cả nước có 216.247 cán bộ, công chức cấp xã được hưởng lương từ ngân sách nhà nước (nếu mỗi xã tăng 1 biên chế thì ngay lập tức cấp xã trong cả nước tăng thêm 10.000 biên chế). Ngoài số lượng cán bộ, công chức nói trên, còn có hơn 500.000 người hoạt động không chuyên trách ở trên 110.000 thôn, làng, bản ấp… được hưởng phụ cấp hoặc khoán phụ cấp hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.

3. Về phân công quản lý cán bộ, công chức; thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức

Trong hệ thống chính trị ở nước ta, công tác cán bộ, công chức có sự đan xen, kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo trong Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Đội ngũ cán bộ, công chức được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. Việc quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí sử dụng, quản lý đội ngũ cán bộ, công chức được thực hiện theo quy định của điều lệ, các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thực tế hiện nay, việc quyết định biên chế đang được giao cho nhiều tổ chức, cơ quan thực hiện. Công tác quản lý cán bộ, công chức có nhiều nội dung như xác định biên chế, vị trí công tác, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển… do đó cần phải quy định cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời góp phần khắc phục từng bước những bất cập do nhiều đầu mối quản lý. Bởi vậy, Luật đã dành một chương (Chương VI: Quản lý cán bộ, công chức) để xử lý vấn đề này.

Trước đây, Pháp lệnh quy định vừa cô đọng vừa chưa rành mạch; trong nội dung quản lý cán bộ, công chức lại có cả đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thực hiện tiền lương và các chế độ, chính sách…, nay các nội dung đó được đưa về chương “Nghĩa vụ, quyền của cán bộ, công chức”. Còn nội dung quản lý cán bộ, công chức chỉ bao gồm những vấn đề chính là:

- Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức;

- Xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, công chức;

- Quy định chức danh và cơ cấu cán bộ;

- Quy định ngạch, chức danh mã số công chức; mô tả, quy định vị trí việc làm và cơ cấu công chức để xác định số lượng biên chế…

Về thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ, công chức, Luật vừa kế thừa Pháp lệnh, vừa đổi mới, phân công, phân cấp cho hợp lý hơn, cụ thể là:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định biên chế công chức của Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Toà án nhân dân các cấp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp.

- Chủ tịch nước quyết định biên chế công chức của Văn phòng Chủ tịch nước.

- Chính phủ quyết định biên chế công chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cấp tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập của Nhà nước.

- Căn cứ vào quyết định chỉ tiêu biên chế được Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định biên chế công chức trong cơ quan của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập của Ủy ban nhân dân các cấp.

- Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định biên chế công chức trong cơ quan và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội.

Trong việc thực hiện quản lý cán bộ, công chức, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công chức. Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công chức theo phân công, phân cấp của Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp huyện trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước về công chức theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc quản lý công chức theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền và theo quy định của Chính phủ.

4. Về những việc cán bộ, công chức không được làm (Mục 4 Chương II)

Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm vì nó có liên quan đến tổ chức, nhân sự, phòng chống tham nhũng, phẩm chất, đạo đức cán bộ, công chức…Bởi vậy, Luật đã quy định khá cụ thể với ba lĩnh vực:

- Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ, bao gồm: Trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý bỏ việc hoặc tham gia đình công. Sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi. Phân biệt đối xử dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo dưới mọi hình thức.

- Những việc cán bộ, công chức không được làm liên quan đến bí mật nhà nước, bao gồm: Tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước dưới mọi hình thức. Cán bộ, công chức làm ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước thì trong thời hạn ít nhất là năm năm, kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, thôi việc, không được làm công việc có liên quan đến ngành, nghề mà trước đây mình đã đảm nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài (Chính phủ quy định cụ thể danh mục ngành, nghề, công việc, thời hạn mà cán bộ, công chức không được làm và chính sách đối với những người phải áp dụng các quy định này).

- Ngoài những việc không được làm được quy định ở hai lĩnh vực trên đây thì cán bộ, công chức còn không được làm những việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.

5. Đánh giá cán bộ, công chức (các điều 28, 29 và 56, 57,58)

Đây là công việc hàng năm về công tác quản lý cán bộ, công chức, nhưng Pháp lệnh trước đây hầu như chưa quy định, nay Luật đã quy định khá cụ thể nội dung đánh giá và phân loại cán bộ; nội dung đánh giá và phân loại công chức.

- Đánh giá cán bộ bao gồm các nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện hàng năm, trước khi bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiêm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc nhiệm kỳ, thời gian luân chuyển.

Căn cứ vào kết quả đánh giá, cán bộ được phân ra 4 loại: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả phân loại đánh giá cán bộ được lưu vào hồ sơ cán bộ và thông báo đến cán bộ được đánh giá.

- Đánh giá công chức bao gồm các nội dung: Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân. Công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung: Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý; năng lực lãnh đạo, quản lý; năng lực tập hợp, đoàn kết công chức. Việc đánh giá công chức được thực hiện hàng năm, trước khi bổ nhiệm, quy hoạch, điều động, đào tạo, bồi dưỡng, khi kết thúc thời gian luân chuyển, biệt phái. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm đánh giá công chức thuộc quyền. Việc đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện.

Căn cứ kết quả đánh giá, công chức được phân thành 4 loại: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực; không hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả phân loại đánh giá công chức được lưu vào hồ sơ và thông báo đến công chức được đánh giá.

Công chức hai năm liên tiếp hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực, hoặc có hai năm liên tiếp trong đó có một năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và một năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức đơn vị có thẩm quyền bố trí công tác khác. Công chức có hai năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.

Nguồn: thongtinphapluatdansu.edu.vn

1499 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;