Một số lưu ý về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai

Cụm từ “Tài sản hình thành trong tương lai” chắc hẳn ai cũng đã từng nghe ít nhất một lần, đây là một trong những loại tài sản được ghi nhận và điều chỉnh tại Bộ luật Dân sự 2015. Vậy loại tài sản này có gì đặc biệt, có khác gì với hiện vật, tiền hữu hình và có thể mang ra thế chấp hay không ?

Những điều cần biết về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai

Một số lưu ý về thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (Hình minh họa)

1. Khái niệm tài sản hình thành trong tương lai

Quy định tại khoản 2 Điều 108 Bộ luật Dân sự 2015 về tài sản hình thành trong tương lai được liệt kê như sau:

“2. Tài sản hình thành trong tương lai bao gồm:

a) Tài sản chưa hình thành;

b) Tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.”

Như vậy, tài sản hình thành trong tương lai được hiểu là tài sản trên thực tế chưa hiện hữu, tồn tại về mặt vật chất và sẽ được hình thành trong tương lai hoặc là tài sản đã hình thành nhưng phải nảy sinh giao dịch thì mới có sự xác lập quyền sở hữu.  

Bên cạnh đó, Văn bản hợp nhất 8019/VBHN-BTP về giao dịch bảo đảm, tại khoản 2 Điều 4 có quy định về loại tài sản này như sau:

“2. Tài sản hình thành trong tương lai gồm:

a) Tài sản được hình thành từ vốn vay;

b) Tài sản đang trong giai đoạn hình thành hoặc đang được tạo lập hợp pháp tại thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm;

c) Tài sản đã hình thành và thuộc đối tượng phải đăng ký quyền sở hữu, nhưng sau thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm thì tài sản đó mới được đăng ký theo quy định của pháp luật.

Tài sản hình thành trong tương lai không bao gồm quyền sử dụng đất.”

Lấy ví dụ:

- Tài sản được hình thành từ vốn vay: mua điện thoại, xe máy trả góp; mua nhà ở có hỗ trợ vay vốn ngân hàng,…

- Tài sản đang trong giai đoạn hình thành: căn hộ chung cư đang xây dựng, xe ô tô đang lắp đặt

- Tài sản đã hình thành: tài sản để thừa kế chưa chuyển giao quyền sở hữu

2. Thế chấp tài sản hình thành trong tương lai

Quy định tại khoản 3 Điều 295 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Tài sản bảo đảm có thể là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

Như vậy, khi vay thế chấp, bên vay có thể dùng tài sản hình thành trong tương lai làm biện pháp bảo đảm trong hợp đồng.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý một số yêu cầu quy định tại Điều 295 của Bộ luật Dân sự như sau:

- Tài sản bảo đảm phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm, trừ trường hợp cầm giữ tài sản, bảo lưu quyền sở hữu.

- Tài sản bảo đảm có thể được mô tả chung, nhưng phải xác định được.

- Giá trị của tài sản bảo đảm do thỏa thuận của các bên, có thể lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm.

Đặc biệt lưu ý, tài sản bảo đảm không bao gồm quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai như hướng dẫn tại khoản 2 Điều 4 Văn bản hợp nhất 8019/VBHN-BTP.

3. Giấy tờ cần có để thế chấp tài sản hình thành trong tương lai

Đối với các loại tài sản thông thường (điện thoại, máy móc, xe cộ,…):

- Hợp đồng mua bán hợp pháp

- Chứng từ thanh toán

Đối với bất động sản (nhà ở, dự án đầu tư nhà ở):

Tóm tắt Điều 148 Luật Nhà ở 2014 quy định như sau:

- Trường hợp chủ đầu tư thế dự án đầu tư thì phải có: hồ sơ dự án, thiết kế kỹ thuật của dự án và Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất. Đồng thời, nhà ở thế chấp phải thuộc diện đã xây dựng xong phần móng.

- Trường hợp tổ chức, cá nhân thế chấp nhà ở, chung cư thì phải có: Giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp, Giấy phép xây dựng nếu thuộc diện phải có Giấy phép xây dựng, Hợp đồng mua bán nhà ở ký kết với chủ đầu tư.

Đức Dũng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

1556 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;