Ngày 3/6/2008, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật năm 2008, thay thế cho Luật năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật này năm 2002. So với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trước đây (Luật sửa đổi năm 2002) thì Luật năm 2008 có một số điểm mới sau đây:
- Giảm bớt hình thức văn bản QPPL, bổ sung một số cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản.
Luật trước đây quy định Chính phủ có quyền ban hành văn bản QPPL dưới hình thức Nghị quyết, Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định, Chỉ thị; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có quyền ban hành văn bản QPPL dưới hình thức Quyết định, Chỉ thị, Thông tư... Nhưng theo Luật năm 2008, Chính phủ chỉ ban hành văn bản QPPL dưới một hình thức duy nhất là Nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành dưới một hình thức là Thông tư. Ngoài ra theo luật cũ thì Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các loại VBQPPL như Quyết định, Chỉ thị, Thông tư. Nhưng theo luật 2008 thì chỉ ban hành một loại VBQPPL duy nhất là Thông tư.
Luật mới cũng bổ sung cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL là Tổng Kiểm toán Nhà nước. Trước đó, luật cũ không quy định cho Tổng Kiểm toán quyền này mà thẩm quyền ban hành văn bản QPPL của Tổng Kiểm toán được quy định tại một văn bản khác. Cụ thể hiện nay hệ thống văn bản QPPL ở nước ta theo Luật năm 2008 gồm: Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, Thông tư của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Thông tư của bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; giữa các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; văn bản QPPL của HĐND, UBND.
- Quy định rõ về việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự rút gọn.
Theo điều 75 của Luật năm 2008, các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn được thực hiện trong trường hợp khẩn cấp hoặc cần sửa đổi ngay cho phù hợp với văn bản QPPL mới được ban hành thì việc xây dựng, ban hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội; Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; Nghị định của Chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có thể được thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình Quốc hội việc xây dựng, ban hành Luật, Nghị quyết của Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chủ tịch nước Quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn trong xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo trình tự, thủ tục rút gọn được quy định như sau: Cơ quan chủ trì soạn thảo không nhất thiết phải thành lập Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập để soạn thảo mà có thể trực tiếp tổ chức việc soạn thảo; Cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo văn bản; Cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm định; Cơ quan thẩm tra có trách nhiệm thẩm tra dự thảo văn bản ngay sau khi nhận được hồ sơ thẩm tra.
Việc thông qua văn bản trong trường hợp rút gọn cũng nhanh hơn, cụ thể: Quốc hội xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản tại một kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, thông qua dự án, dự thảo văn bản tại một phiên họp.
Việc bổ sung một số điểm mới của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2008 so với luật trước đây nhằm làm gọn hơn hệ thống VBQPPL, giúp cho việc tập hợp hoá, pháp điển hoá pháp luật thuận tiện hơn. Mặt khác nó còn giúp cho việc ban hành một số văn bản QPPL có tính cấp bách được nhanh chóng thuận tiện hơn.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Truờng chính trị Nghệ An
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |