Luật Phá sản 2014 và những điểm mới có lợi cho doanh nghiệp (Phần 3)

Nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, việc các doanh nghiệp lớn ngày càng phát triển, đồng thời các doanh nghiệp nhỏ làm ăn thua lỗ, bị loại khỏi thị trường kinh doanh là chuyện bình thường. Để tháo gỡ những vướng mắc này và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ có điều kiện hội nhập trong quá trình phát triển như hiện nay, Luật phá sản 2014 đã bổ sung nhiều điểm mới có lợi cho doanh nghiệp. Dưới đây là một số quy định mới trong luật này.

* Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán:

Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán gồm: Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã có tại thời điểm Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản. Trước đây, tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản. Tài sản thu hồi từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ giao dịch vô hiệu. Các tài sản khác theo quy định của pháp luật. Trước đây, không có các quy định này (Điều 64).

* Đăng ký giao dịch bảo đảm của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán:

Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán cho người khác vay tài sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký giao dịch bảo đảm nhưng chưa đăng ký thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện ngay việc đăng ký. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm. Trước đây, không có quy định này (Điều 69).

* Nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp hợp tác xã có tài khoản:

Kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nghiêm cấm ngân hàng mà doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản có tài khoản thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Trước đây, có thêm trường hợp nghiêm cấm thực hiện bất kỳ hành vi nào nhằm bù trừ hoặc thanh toán các khoản doanh nghiệp, hợp tác xã vay của ngân hàng (Điều 73).

* Nguyên tắc tiến hành Hội nghị chủ nợ:

Tôn trọng thỏa thuận của người tham gia thủ tục phá sản nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của người tham gia thủ tục phá sản. Công khai trong việc tiến hành Hội nghị chủ nợ. Trước đây, không có quy định này (Điều 76)

* Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản:

Kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản. Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản cho người nộp đơn, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không trung thực. Quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người tham gia thủ tục phá sản có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân đang giải quyết thủ tục phá sản về quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản. Trước đây, chỉ đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản khi có người tham gia Hội nghị chủ nợ vắng mặt (Điều 86).

* Công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ:  

Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thì những điều cấm, chịu sự giám sát đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Điều 48 và Điều 49 của Luật này chấm dứt. Trước đây không có quy định này (Điều 92).

* Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh:

Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán.

Tòa án nhân dân thông báo công khai quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này. Trước đây chỉ có 2 trường hợp đình chỉ đó là khi doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và được quá nửa số phiếu của các chủ nợ không có bảo đảm đại diện cho từ 2/3 tổng số nợ không có bảo đảm trở lên chưa thanh toán đồng ý đình chỉ (Điều 95).

(Còn tiếp)

Nguồn: Bình Phước Online

901 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;