Không quy định phạt tiền trong hương ước, quy ước

Đây là nội dung đáng chú ý tại Dự thảo Quyết định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đang được Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

 

Theo như nội dung Tờ trình của Bộ Tư pháp về Dự thảo Quyết định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thì công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước gặp một số bất cập và hạn chế bởi Chỉ thị 24/1998/CT-TTg về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư đã được ban hành từ lâu mà không có sự rà soát, sửa đổi, bổ sung và chắc chắn một điều là việc áp dụng những quy định của Chỉ thị 24 không còn phù hợp và sát với tình hình thực tế hiện nay cũng như những quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, cần thiết phải có quy định mới hơn để điều chỉnh việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

Một trong những nội dung cần phải bàn đến trong Dự thảo Quyết định đó là có hay không cho phép việc áp dụng phạt tiền, phạt vật chất để xử lý những trường hợp vi phạm quy định trong hương ước, quy ước.

Dự thảo Quyết định nêu rõ:

Không đưa vào hương ước, quy ước các nội dung trái pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, hạn chế quyền con người, quyền công dân; đặt ra các khoản phí, lệ phí; phạt tiền, phạt vật chất khác.

 

Theo đó cũng sẽ bãi bỏ những hương ước, quy ước có nội dung đề cập đến những nội dung trên.

Bộ Tư pháp nêu ra 02 quan điểm như sau:

Quan điểm thứ 1: Không cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Bởi:

  • Ưu điểm: Hạn chế tình trạng “phạt vạ”, đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật, phân tách được chế tài trong hương ước, quy ước và chế tài của pháp luật.
  • Hạn chế: Hiệu lực thi hành của hương ước, quy ước trên thực tế không cao.

Quan điểm thứ 2: Cho phép quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất trong hương ước, quy ước. Bởi:

  • Ưu điểm: Có thể tăng hiệu lực thi hành của hương ước, quy ước.
  • Hạn chế: Dễ nhầm lẫn với biện pháp phạt tiền theo pháp luật xử phạt vi vi phạm hành chính. Trong thực tế, một số nơi có thể lạm dụng quy định này dẫn đến tình trạng “phạt vạ”, “lệ làng”, có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Thực tế xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thời gian qua cho thấy có nhiều bản hương ước, quy ước đã quy định biện pháp phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính đã được pháp luật quy định, thậm chí còn quy định mức phạt cao hơn so với quy định pháp luật đối với một hành vi tương ứng.

Theo như nội dung trình bày tại Tờ trình, Bộ Tư pháp cũng thống nhất lựa chọn và xây dựng Dự thảo Quyết định theo quan điểm không cho phép quy định các biện pháp phạt tiền trong hương ước, quy ước.

Vì hương ước, quy ước được xây dựng dựa trên sự tự nguyện, tự thỏa thuận của người dân và cộng đồng, những quy định trong hương ước, quy ước chỉ mang tính chất giáo dục, thuyết phục, vận động ở một bộ phận nhỏ của cộng đồng. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng đã có văn bản hướng dẫn quy định về xử lý vi phạm hành chính trong tất cả các lĩnh vực, do đó không cần thiết phải quy định các biện pháp phạt tiền, phạt vật chất này nữa trong hương ước, quy ước.

Xem toàn văn Dự thảo Quyết định TẠI ĐÂY

1521 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;