Không có bằng cấp 3 có được thi tuyển viên chức?

Từ trước đến nay, bên cạnh chế độ làm việc cho doanh nghiệp thì khối nhà nước luôn là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà một bộ phận công dân Việt Nam không thể hoàn thành hết hệ thống giáo dục phổ thông. Vậy những cá nhân này có được tham gia thi tuyển viên chức để có một nghề nghiệp ổn định hay không ?

Không có bằng cấp 3 có được thi tuyển viên chức ?

Không có bằng cấp 3 có được thi tuyển viên chức ? (ảnh minh họa)

Căn cứ Điều 22 Luật Viên chức 2010 có quy định về điều kiện dự tuyển viên chức phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau đây:

1. Có quốc tịch Việt Nam và cư trú tại Việt Nam;

2. Từ đủ 18 tuổi trở lên. Đối với một số lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tuổi dự tuyển có thể thấp hơn theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật;

3. Có đơn đăng ký dự tuyển;

4. Có lý lịch rõ ràng;

5. Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;

6. Đủ sức khoẻ để thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ;

7. Đáp ứng các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm do đơn vị sự nghiệp công lập xác định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

Như vậy thì người dự thi phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với vị trí việc làm mà mình dự định ứng tuyển.

Điều này được hướng dẫn bởi Điều 2 của Thông tư 15/2012/TT-BNV như sau:

“Điều 2. Hồ sơ đăng ký dự tuyển viên chức

3. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt;”

Do đó khi dự tuyển viên chức thì văn bằng yêu cầu sẽ phụ thuộc vào yêu cầu của đơn vị đề ra và phù hợp với vị trí cần ứng tuyển.

Tuy nhiên ở thời điểm hiện nay thì các cơ quan tuyển dụng thường yêu cầu bằng trung cấp trở lên để phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

Lấy ví dụ:

- Tiêu chuẩn chức danh Điều dưỡng viên sơ cấp đòi hỏi tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành điều dưỡng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2015/TTLT-BYT-BNV;

- Tiêu chuẩn chức danh Thư viện viên đòi hỏi tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng chuyên ngành thư viện hoặc ngành khác có liên quan quy định tại điểm a khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch 02/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV.

Vậy quy chế đào tạo giáo dục hiện nay thì người dự thi viên chức có bắt buộc có bằng cấp 3 rồi mới có bằng trung cấp hay không ? Để trả lời vấn đề này, tham khảo Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH về quy chế tuyển sinh trình độ trung cấp có quy định như sau:

“Điều 3. Thời gian, đối tượng và hình thức tuyển sinh

1. Thời gian tuyển sinh được thực hiện một hoặc nhiều lần trong năm.

2. Đối tượng tuyển sinh:

a) Đối với trình độ trung cấp: Học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (viết tắt là THCS) và tương đương trở lên;”

Như vậy, tùy từng vị trí tuyển dụng, yêu cầu về trình độ đào tạo mà sẽ xét xem đối tượng dự tuyển phải có bằng cấp 3 hay không.

Về hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển Viên chức

Vấn đề này được điều chỉnh tại Điều 9 Nghị định 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Tóm tắt quy trình như sau:

Vòng 1:  Thi kiểm tra kiến thức chung bằng hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính.

- Nội dung thi gồm 3 phần, thời gian thi như sau:

+ Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Thời gian thi 60 phút;

+ Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút;

+ Phần III: Tin học, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.

Đối với phần thi ngoại ngữ và tin học thì người dự thi có thể được miễn nếu đã có các chứng chỉ phù hợp theo quy định của pháp luật.

- Điều kiện vượt qua vòng 1: nếu trả lời đúng trên 50% câu hỏi trong từng phần thi thì người dự tuyển được thi tiếp vòng 2

Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành bằng hình một trong ba hình thức là phỏng vấn; thực hành hoặc thi viết.

- Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

- Thời gian thi: Thi phỏng vấn 30 phút; thi viết 180 phút trừ trường hợp đơn vị tổ chức thi có quy định khác.

- Thang điểm: 100 điểm

Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi viên chức

Người trúng tuyển phải đảm bảo có đủ 02 điều kiện quy định tại Điều 10 Nghị định 115/2020/NĐ-CP:

1. Có kết quả thì vòng 2 trên 50 điểm;

2. Có điểm vòng 2 cộng điểm ưu tiên (nếu có) cao hơn lấy theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp trong chỉ tiêu được tuyển dụng của từng vị trí việc làm.

Đức Dũng

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

4491 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;