Xử lý đối với vật chứng, tài sản và một số vấn đề liên quan đến án phí, tiền phạt trong thi hành án dân sự được quy định tại Thông tư 04/2023/TT-BTP ngày 14/8/2023.
Hướng dẫn xử lý đối với vật chứng, tài sản và một số vấn đề liên quan đến án phí, tiền phạt trong thi hành án dân sự (Hình ảnh từ Internet)
Theo Điều 10 Thông tư 04/2023/TT-BTP quy định về việc giao nhận tài sản trong thi hành án dân sự như sau:
- Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan có thẩm quyền chuyển giao theo quyết định chuyển vật chứng của Viện kiểm sát nhân dân.
- Thủ tục giao, nhận vật chứng, tài sản thực hiện theo quy định tại Điều 122, 123 Luật Thi hành án dân sự 2008. Biên bản giao, nhận vật chứng, tài sản phải được lập thành 04 bản; bên giao, bên nhận mỗi bên giữ 01 bản, kế toán bên nhận giữ 01 bản và 01 bản lưu hồ sơ thi hành án. Trường hợp chưa có hồ sơ thi hành án thì 01 bản tạm lưu tại kế toán thi hành án.
Tại Điều 12 Thông tư 04/2023/TT-BTP hướng dẫn xử lý đối với vật chứng, tài sản và một số vấn đề liên quan đến án phí, tiền phạt trong thi hành án dân sự như sau:
- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thành lập Hội đồng tiêu hủy vật chứng, tài sản theo quy định tại Điều 125 Luật Thi hành án dân sự 2008, Điều 33 Nghị định 62/2015/NĐ-CP trong các trường hợp sau:
+ Vật chứng, tài sản thuộc diện tiêu hủy theo bản án, quyết định;
+ Tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự 2009;
+ Tài sản của người phải thi hành án trong trường hợp cưỡng chế trả nhà, giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất nhưng bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng mà đương sự không nhận hoặc không xác định được địa chỉ.
Việc tiêu hủy vật chứng, tài sản phải lập biên bản, ghi rõ hiện trạng của vật chứng, tài sản tiêu hủy, họ tên, chữ ký của các thành viên Hội đồng tiêu hủy; biên bản phải gửi cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan tài chính cùng cấp và lưu hồ sơ thi hành án.
- Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự được bản án, quyết định tuyên trả lại cho đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo, nếu đương sự không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó theo quy định tại khoản 3 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự 2009.
- Trường hợp quyết định về án phí, phạt tiền, tịch thu vật chứng, tài sản tạm giữ đã được thi hành nhưng sau đó phát hiện có sai sót và đã có quyết định hủy bỏ quyết định về án phí, phạt tiền, tịch thu thì cơ quan thi hành án dân sự lập hồ sơ đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp hoặc cơ quan tài chính cấp tỉnh nơi cơ quan thi hành án cấp quân khu có trụ sở để làm thủ tục hoàn trả số tiền, tài sản đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 4 Điều 124 Luật Thi hành án dân sự 2009.
Trường hợp số tiền, tài sản phải nộp ngân sách lớn hơn số tiền, tài sản làm thủ tục hoàn trả thì cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đối trừ trực tiếp để làm thủ tục hoàn trả.
Hồ sơ đề nghị hoàn trả gồm:
+ Các quyết định về án phí, tiền phạt, tịch thu vật chứng, tài sản và các quyết định hủy bỏ quyết định về án phí, tiền phạt, vật chứng, tài sản có liên quan đến khoản tiền, tài sản được hoàn trả;
+ Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành hoặc các chứng từ liên quan đến việc giao nhận tài sản tịch thu (trường hợp cơ quan thi hành án dân sự nộp tiền thay đương sự và số tiền đó nằm trong cùng số tiền của nhiều đương sự khác thì phải có bảng kê ghi họ tên các đương sự kèm theo giấy nộp tiền đó);
Trường hợp số tiền, tài sản nộp ngân sách không đủ để thực hiện đối trừ trực tiếp thì ngoài các giấy tờ trên còn có văn bản đề nghị hoàn trả án phí, tiền phạt, vật chứng, tài sản của cơ quan thi hành án dân sự.
Tô Quốc Trình
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |