Hướng dẫn việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học

Hướng dẫn việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học
Lê Trương Quốc Đạt

Sau đây là các quy định về việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

Hướng dẫn việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học

Hướng dẫn việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học (Hình từ Internet)

1. Hướng dẫn việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học

Theo Điều 2 Nghị định 99/2019/NĐ-CP thì việc đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học như sau:

- Tên tiếng Việt của cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

+ Cụm từ xác định loại cơ sở giáo dục đại học: đại học, trường đại học, học viện;

+ Cụm từ xác định lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần);

+ Tên riêng bao gồm tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử, tên cá nhân, tổ chức (nếu có) và các tên riêng khác.

- Tên giao dịch quốc tế của cơ sở giáo dục đại học được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, phải sử dụng các thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với trường đại học là thành viên của đại học, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng nước ngoài do đại học quy định.

- Trường hợp thành lập mới hoặc đổi tên, tên tiếng Việt của cơ sở giáo dục đại học kèm tên giao dịch quốc tế, tên viết tắt được xác định trong đề án thành lập hoặc đề án đổi tên cơ sở giáo dục đại học; không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học khác đã thành lập hoặc đăng ký, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ, không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không được gây nhầm lẫn về đẳng cấp, thứ hạng trường hoặc nội dung chương trình giảng dạy. 

Đồng thời, tên của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học.

- Hồ sơ đổi tên bao gồm:

+ Tờ trình đề nghị đổi tên cơ sở giáo dục đại học;

+ Nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học;

+ Đề án đổi tên cơ sở giáo dục đại học: nêu rõ lý do và sự cần thiết phải đổi tên; báo cáo đánh giá tác động đối với người học, cán bộ, giảng viên và các bên liên quan; các giải pháp xử lý rủi ro sau khi thực hiện đổi tên (nếu có);

+ Văn bản chấp thuận việc đổi tên của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học đối với cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

- Quy trình xử lý hồ sơ đổi tên như sau:

+ Cơ sở giáo dục đại học gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện kèm theo bản mềm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc qua dịch vụ công trực tuyến thuộc cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

+ Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

+ Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo đúng quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo cho cơ sở giáo dục đại học và nêu rõ lý do.

- Trường hợp đổi tên gắn với chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận hoặc chuyển trường đại học thành đại học hoặc liên kết các trường đại học thành đại học thì thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Nghị định 99/2019/NĐ-CP và Điều 3 hoặc Điều 4 hoặc Điều 5 Nghị định 99/2019/NĐ-CP.

2. Quy định về công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu

Quy định về công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu theo Điều 10 Nghị định 99/2019/NĐ-CP như sau:

- Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt các tiêu chí sau:

+ Đã công bố định hướng phát triển thành cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu trong sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học; được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục;

+ Có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm;

+ Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học;

+ Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này;

+ Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học;

+ Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học công lập là giảng viên, cán bộ được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động 2019, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do trường đại học trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

- Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 99/2019/NĐ-CP và mục tiêu, sứ mạng, đề xuất của cơ sở giáo dục đại học với các minh chứng kèm theo, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học kiểm định, công bố danh sách các cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn định hướng nghiên cứu trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; hằng năm, rà soát và đưa ra khỏi danh sách những cơ sở giáo dục đại học không còn đạt tiêu chuẩn trên; báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu được ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;