Sau đây là hướng dẫn về nội dung của đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.
Hướng dẫn về đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Hình từ Internet)
Theo Điều 75 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
- Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm; họ tên người đại diện, nếu yêu cầu được thực hiện thông qua người đại diện;
+ Tên cơ quan nhận đơn yêu cầu;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân bị nghi ngờ là tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm;
+ Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan (nếu có);
+ Tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
+ Thông tin tóm tắt về quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm: Loại quyền, căn cứ phát sinh quyền, tóm tắt về đối tượng quyền;
+ Thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm: Ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm, hành vi xâm phạm; địa chỉ trang web, đường link đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet và các thông tin khác (nếu có).
+ Nội dung yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý hành vi xâm phạm;
+ Danh mục các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn;
+ Chữ ký của người làm đơn và đóng dấu (nếu có).
- Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải có các tài liệu, chứng cứ kèm theo quy định tại Điều 76 Nghị định 17/2023/NĐ-CP nhằm chứng minh yêu cầu đó.
Theo Điều 78 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
- Các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ chứng minh xâm phạm:
+ Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan);
+ Tài liệu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi âm, ghi hình đối tượng bị xem xét;
+ Bản giải trình, so sánh giữa đối tượng bị xem xét với đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;
+ Biên bản, lời khai, vi bằng, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.
- Tài liệu, hiện vật quy định tại khoản 1 Điều 78 Nghị định 17/2023/NĐ-CP phải lập thành danh mục, có chữ ký xác nhận của người yêu cầu xử lý xâm phạm.
Việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 81 Nghị định 17/2023/NĐ-CP như sau:
- Hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như sau:
+ Hàng hóa xâm phạm là bộ phận, chi tiết (sau đây gọi là phần) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm và có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập;
+ Trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành một phần của sản phẩm có thể lưu hành độc lập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 81 Nghị định 17/2023/NĐ-CP thì hàng hóa xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm.
- Giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan do cơ quan xử lý hành vi xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm và dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
+ Giá niêm yết của hàng hóa xâm phạm;
+ Giá thực bán của hàng hóa xâm phạm;
+ Giá thành của hàng hóa xâm phạm, nếu chưa được lưu thông;
+ Giá nhập của hàng hóa xâm phạm.
- Giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được tính theo phần (bộ phận, chi tiết) sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 81 Nghị định 17/2023/NĐ-CP hoặc tính theo giá trị của toàn bộ sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 81 Nghị định 17/2023/NĐ-CP.
- Trường hợp việc áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 81 Nghị định 17/2023/NĐ-CP không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý hành vi xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thì việc định giá do Hội đồng định giá quyết định.
Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |