Hướng dẫn tính lãi của khoản vay quá hạn (mới nhất)

Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc, lãi trên nợ lãi chậm trả, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả. Vậy các khoản lãi này được tính như thế nào?

tính lãi của khoản vay quá hạn

Hướng dẫn tính lãi của khoản vay quá hạn (mới nhất) (Ảnh minh họa)

1. Hợp đồng vay và quy định về lãi suất trong hợp đồng vay

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Hợp đồng vay tài sản gồm hợp đồng vay có lãi suất và hợp đồng vay không lãi suất. Đối với trường hợp vay có lãi suất, Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất tối đa như sau:

  • Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác;

  • Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm của khoản tiền vay.;

  • Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Cách tính lãi của khoản vay quá hạn

Mặc dù, đã có các quy định của pháp luật về lãi vay trong hạn, quá hạn, tuy nhiên do nhận thức và cách hiểu khác nhau của bên vay và bên cho vay đã không ít các tranh chấp xảy ra do việc xác định lãi vay không chính xác. Nhất là đối với các khoản vay đã quá hạn trả nợ. Vậy lãi vay quá hạn được xác định như thế nào là chính xác và đúng với quy định của pháp luật?

Điều 5 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn cách tính lãi của khoản vay quá hạn theo Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả:

- Trường hợp xác định rõ về lãi suất vay: Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức 20%/năm tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng.

Tiền lãi trong hạn = Số tiền vay x Lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả lãi

- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm.

Tiền lãi trong hạn = Số tiền vay x 10%/năm x Thời gian chưa trả lãi

Lãi trên nợ lãi chưa trả:

Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất 10%/năm tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = Lãi trong hạn chưa trả x 10%/năm x Thời gian chậm trả tiền lãi.

Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả:

Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định (20%/năm).

Lãi quá hạn = Số tiền vay chưa trả x 150% lãi suất theo thỏa thuận x Thời gian chưa trả nợ gốc.

Ví dụ: Ngày 04/11/2017, A ký hợp đồng vay của B số tiền 320.000.000 đồng với thời hạn vay 1 năm. Lãi suất vay 15%/năm. Khi hết thời hạn vay được thỏa thuận trong hợp đồng (04/11/2018) A chỉ mới trả cho B 120.000.000 đồng tiền gốc và chưa trả tiền lãi vay theo đúng hợp đồng đã ký. B nhiều lần hối thúc A trả số nợ còn thiếu nhưng A không thực hiện. Ngày 04/5/2020, A nộp đơn khởi kiện B ra Tòa án huyện X để đòi lại tài sản. Như vậy, tính đến ngày 04/5/2020, số tiền mà A phải có nghĩa vụ phải trả cho B được tạm tính như sau:

- Số tiền nợ gốc chưa trả là 200.000.000 đồng.

- Thời gian chậm trả tạm tính từ ngày hết thời hạn vay trong hợp đồng (04/11/2018) đến ngày nộp đơn khởi kiện (04/5/2018) là 1 năm 6 tháng.

- Tiền lãi trong hạn = 320.000.000 đồng x 15% x 1 năm = 48.000.000 đồng

- Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = 48.000.000 đồng x 10% x 1 năm 6 tháng = 7.200.000 đồng

- Lãi quá hạn = 200.000.000 đồng x (150% x 15%) x 1 năm 6 tháng = 67.500.000 đồng.

Tổng cộng, A có nghĩa vụ trả cho B số tiền = 200.000.000 + 48.000.000 + 7.200.000 + 67.500.000 = 322.700.000 đồng.

Đức Thảo

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

18515 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;