Xin hỏi BHXH Việt Nam hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động thế nào? - Nhật Minh (Bình Dương)
Hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động (Hình từ internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Ngày 20/11/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn 3858/BHXH-CSXH hướng dẫn giải quyết vướng mắc trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động.
Theo đó, Trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHXH Việt Nam nhận được phản ánh của BHXH một số tỉnh, thành phố về vướng mắc trong giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động, BHXH Việt Nam xin báo cáo cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2008 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: “Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế”.
Điểm c khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau: “Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý”.
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BYT ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc thì: “Không giải quyết chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Quy định này không loại trừ đối với trường hợp bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Đối chiếu với các quy định nêu trên, BHXH Việt Nam hiện nay đang xác định các trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý là tai nạn lao động. Do đó, các trường hợp này sẽ không được giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với thời gian điều trị thương tật lần đầu.
Ngày 25/8/2023, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn 508/TTr-TTLĐ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam hướng dẫn: “Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý không phải là tai nạn lao động theo định nghĩa tại khoản 8 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, thì được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2008 khi đủ điều kiện”.
Để đảm bảo việc thực hiện chế độ tai nạn lao động một cách thống nhất trên phạm vi cả nước, BHXH Việt Nam kính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng dẫn chung về nội dung này; đồng thời hướng dẫn cụ thể căn cứ để xác định loại tai nạn này khi thành phần hồ sơ hưởng chế độ ốm đau không có Biên bản điều tra tai nạn lao động.
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 của Nghị định 115/2015/NĐ-CP được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau:
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
- Người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
- Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con mà thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Nguyễn Ngọc Quế Anh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |