Hoạt động khoáng sản là gì? Những khu vực nào cấm hoạt động khoáng sản? – Ngọc Như (Trà Vinh)
Hoạt động khoáng sản là gì? Khu vực cấm hoạt động khoáng sản (Hình từ internet)
Hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoáng sản.
Trong đó:
- Thăm dò khoáng sản là hoạt động nhằm xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản và các thông tin khác phục vụ khai thác khoáng sản.
- Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu và các hoạt động khác có liên quan.
(Khoản 5, 6, 7 Điều 2 Luật Khoáng sản 2010)
Nguyên tắc hoạt động khoáng sản bao gồm:
- Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Thăm dò khoáng sản phải đánh giá đầy đủ trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản có trong khu vực thăm dò.
- Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản.
(Điều 4 Luật Khoáng sản 2010, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)
- Khu vực hoạt động khoáng sản là khu vực có khoáng sản đã được điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khoanh định trong quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Căn cứ vào yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh; ngăn ngừa, giảm thiểu tác động đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa; bảo vệ rừng đặc dụng, công trình hạ tầng, việc thăm dò, khai thác khoáng sản có thể bị hạn chế về:
+ Tổ chức, cá nhân được phép thăm dò, khai thác;
+ Sản lượng khai thác;
+ Thời gian khai thác;
+ Diện tích, độ sâu khai thác và phương pháp khai thác.
Căn cứ yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản 2010 quyết định hình thức hạn chế hoạt động khoáng sản.
(Điều 26 Luật Khoáng sản 2010, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 8 Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018)
Khu vực cấm hoạt động khoáng sản bao gồm:
- Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa;
- Khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất;
- Khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
- Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng;
- Đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.
(Khoản 1 Điều 28 Luật Khoáng sản 2010)
Khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản được khoanh định khi có một trong các yêu cầu sau đây:
- Yêu cầu về quốc phòng, an ninh;
- Bảo tồn thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đang được Nhà nước xem xét, công nhận hoặc phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác khoáng sản;
- Phòng, tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.
(Khoản 2 Điều 28 Luật Khoáng sản 2010)
Nguyễn Thị Diễm My
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |