Cho tôi hỏi hồ sơ kiểm toán nhà nước bao gồm những gì? Và các đơn vị nào được kiểm toán nhà nước? - Tường Vy (Hậu Giang)
Hồ sơ kiểm toán nhà nước bao gồm những gì? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Theo Điều 52 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 thì hồ sơ kiểm toán nhà nước bao gồm:
- Tài liệu của mỗi cuộc kiểm toán phải được lập thành hồ sơ.
- Tổng Kiểm toán nhà nước quy định cụ thể về hồ sơ kiểm toán.
- Hồ sơ kiểm toán phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày phát hành báo cáo kiểm toán.
- Thời hạn lưu trữ hồ sơ kiểm toán tối thiểu là 10 năm, trừ trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các đơn vị được kiểm toán nhà nước theo Điều 55 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 như sau:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước ở trung ương.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.
- Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan khác của Nhà nước ở địa phương.
- Đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
- Đơn vị quản lý, sử dụng dự trữ quốc gia; quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước.
- Đơn vị sự nghiệp công lập.
- Tổ chức quản lý tài sản quốc gia.
- Ban quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, khi cần thiết, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.
- Đơn vị nhận trợ giá, trợ cấp của Nhà nước, đơn vị có công nợ được Nhà nước bảo lãnh mà không phải là doanh nghiệp có quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước. Các đơn vị này có thể thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán; doanh nghiệp kiểm toán phải thực hiện việc kiểm toán theo chuẩn mực, quy trình kiểm toán nhà nước và gửi báo cáo kiểm toán cho Kiểm toán nhà nước.
- Cơ quan được giao quản lý, sử dụng nợ công.
Nội dung kiểm toán nhà nước được quy định theo Điều 32 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 như sau:
- Nội dung kiểm toán bao gồm:
+ Kiểm toán tài chính là việc kiểm toán để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các thông tin tài chính và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán;
+ Kiểm toán tuân thủ là việc kiểm toán để đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế mà đơn vị được kiểm toán phải thực hiện;
+ Kiểm toán hoạt động là việc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công.
- Căn cứ vào yêu cầu của từng cuộc kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định nội dung kiểm toán của từng cuộc kiểm toán.
Thời hạn kiểm toán nhà nước theo Điều 34 Luật Kiểm toán nhà nước 2015 như sau:
- Thời hạn của cuộc kiểm toán được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
- Thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 34 Luật Kiểm toán nhà nước 2015. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày.
- Đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công có quy mô toàn quốc, Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định cụ thể về thời hạn kiểm toán.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |