Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất được quy định tại Nghị định 142/2021/NĐ-CP.
Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất (Hình từ Internet)
Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo Điều 12 Nghị định 142/2021/NĐ-CP như sau:
- Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, bao gồm:
+ Quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;
+ Biên bản vi phạm hành chính;
+ Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp trục xuất theo quy định tại Điều 8 Nghị định 142/2021/NĐ-CP;
+ Bản sao hộ chiếu hoặc bản sao giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu của người bị trục xuất;
+ Giấy tờ chứng nhận đã chấp hành xong các nghĩa vụ khác (nếu có);
+ Các tài liệu khác có liên quan.
- Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh hoặc phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an có trách nhiệm lập hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 142/2021/NĐ-CP.
- Hồ sơ áp dụng hình thức xử phạt trục xuất đối với người nước ngoài vi phạm hành chính trong trường hợp quy định là hình thức xử phạt bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được thực hiện theo quy định tại khoản 1, 2 và khoản 4 Điều 12 Nghị định 142/2021/NĐ-CP.
- Hồ sơ áp dụng biện pháp trục xuất phải được đánh bút lục và lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền.
Quy định về quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất theo Điều 13 Nghị định 142/2021/NĐ-CP như sau:
- Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh (nơi lập hồ sơ đề nghị trục xuất) đề xuất với Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng các biện pháp quản lý đối với người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
- Người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất bị áp dụng biện pháp quản lý trong những trường hợp sau:
+ Khi có căn cứ cho rằng, nếu không áp dụng biện pháp cần thiết để quản lý thì người đó sẽ trốn tránh hoặc cản trở việc thi hành quyết định xử phạt trục xuất;
+ Để ngăn chặn người đó tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất
+ Hạn chế việc đi lại của người bị quản lý;
+ Chỉ định chỗ ở của người bị quản lý;
+ Tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu.
- Việc áp dụng biện pháp quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam phải được ghi rõ trong Quyết định áp dụng biện pháp quản lý đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất, bao gồm những nội dung sau:
+ Địa danh, ngày, tháng, năm ra quyết định;
+ Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;
+ Họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, số hộ chiếu/giấy tờ thay thế hộ chiếu của người bị áp dụng biện pháp quản lý;
+ Biện pháp quản lý (ghi rõ biện pháp quản lý cụ thể);
+ Hiệu lực của Quyết định áp dụng biện pháp quản lý; thời hạn áp dụng quyết định quản lý; phạm vi, địa điểm áp dụng việc hạn chế đi lại (đối với biện pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 13 Nghị định 142/2021/NĐ-CP); nơi ở bắt buộc của người bị áp dụng biện pháp quản lý (đối với biện pháp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 13 Nghị định 142/2021/NĐ-CP); lý do tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân khác thay hộ chiếu (đối với biện pháp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 13 Nghị định 142/2021/NĐ-CP);
+ Họ, tên, chữ ký của người ra quyết định;
+ Cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định.
- Việc chỉ định chỗ ở của người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất được thực hiện như sau:
+ Lưu trú tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý;
+ Tại cơ sở lưu trú khác do Bộ Công an chỉ định.
- Việc áp dụng biện pháp lưu trú đối với người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất tại cơ sở lưu trú do Bộ Công an quản lý, chỉ định được thực hiện trong các trường hợp sau:
+ Người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất không có hộ chiếu hoặc các giấy tờ thay thế hộ chiếu, chưa có đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện việc trục xuất (vé máy bay, thị thực, hộ chiếu, các giấy tờ thay thế hộ chiếu...);
+ Không có nơi cư trú hoặc hết thời hạn cư trú;
+ Vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 142/2021/NĐ-CP hoặc không chấp hành các biện pháp quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền;
+ Có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có căn cứ cho rằng người đó có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian chờ xuất cảnh;
+ Có hành vi bỏ trốn, chuẩn bị bỏ trốn hoặc hành vi khác gây khó khăn cho việc thi hành quyết định trục xuất;
+ Mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm phải tổ chức cách ly y tế;
+ Người mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi;
+ Tự nguyện xin vào cơ sở lưu trú.
- Không được sử dụng nhà tạm giữ người theo thủ tục hành chính, nhà tạm giữ hình sự, trại tạm giam, trại giam để quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |