Hình phạt bổ sung theo Bộ luật Hình sự

Hình phạt bổ sung theo Bộ luật Hình sự
Nguyễn Thị Diễm My

Cho tôi hỏi đối với người phạm tội thì có những hình phạt bổ sung nào theo Bộ luật Hình sự? – Khánh Việt (Trà Vinh)

Hình phạt bổ sung theo Bộ luật Hình sự

Hình phạt bổ sung theo Bộ luật Hình sự (Hình từ internet)

1. Hình phạt bổ sung với người phạm tội

Hình phạt bổ sung với người phạm tội bao gồm:

(1) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

- Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội.

- Thời hạn cấm là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật nếu hình phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

(2) Cấm cư trú

- Cấm cư trú là buộc người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định.

- Thời hạn cấm cư trú là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

(3) Quản chế

- Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 Bộ luật Hình sự 2015 và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

- Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật Hình sự 2015 quy định.

- Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

(4) Tước một số quyền công dân

- Công dân Việt Nam bị kết án phạt tù về tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm khác trong những trường hợp do Bộ luật Hình sự 2015 quy định, thì bị tước một hoặc một số quyền công dân sau đây:

+ Quyền ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực Nhà nước;

+ Quyền làm việc trong các cơ quan nhà nước và quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân.

- Thời hạn tước một số quyền công dân là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật trong trường hợp người bị kết án được hưởng án treo.

(5) Tịch thu tài sản

- Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.

- Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật Hình sự 2015 quy định.

- Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

(6) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính

- Hình phạt tiền được áp dụng là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội về tham nhũng, ma túy hoặc những tội phạm khác do Bộ luật Hình sự quy định.

- Mức tiền phạt được quyết định căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, đồng thời có xét đến tình hình tài sản của người phạm tội, sự biến động của giá cả, nhưng không được thấp hơn 1.000.000 đồng.

(7) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính

- Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

- Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.

2. Hình phạt bổ sung với pháp nhân thương mại phạm tội

Hình phạt bổ sung với pháp nhân thương mại phạm tội bao gồm:

(1) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

(2) Cấm huy động vốn;

(3) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Căn cứ pháp lý: Chương VI Bộ luật Hình sự 2015

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

6937 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;