Tôi muốn biết Giấy bảo vệ đặc biệt là gì? Đối tượng nào được cấp Giấy bảo vệ đặc biệt? – Hà Trang (Quảng Nam)
Giấy bảo vệ đặc biệt là gì? Đối tượng nào được cấp Giấy bảo vệ đặc biệt? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Giấy Bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư 14/2018/TT-BCA để thực hiện công tác cảnh vệ. Thời hạn sử dụng của Giấy Bảo vệ đặc biệt là 5 năm, kể từ ngày ký.
(Khoản 1 Điều 2 Thông tư 14/2018/TT-BCA, sửa đổi tại Thông tư 89/2021/TT-BCA)
Theo Điều 5 Thông tư 14/2018/TT-BCA, sửa đổi tại Thông tư 89/2021/TT-BCA, các đối tượng được cấp Giấy bảo vệ đặc biệt bao gồm:
- Tư lệnh và các Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ Bộ Công an; Cục trưởng và các Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội Bộ Quốc phòng.
- Chỉ huy các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an là đối tượng cấp Giấy Bảo vệ đặc biệt, gồm: Phòng Tham mưu; Phòng Bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế; Phòng Kỹ thuật bảo vệ; Phòng Cảnh vệ miền Trung; Phòng Cảnh vệ miền Nam
- Chỉ huy đơn vị Cảnh vệ thuộc Cục Bảo vệ an ninh Quân đội Bộ Quốc phòng.
- Sĩ quan bảo vệ tiếp cận.
- Sĩ quan thuộc lực lượng Cảnh vệ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ theo mệnh lệnh của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội trong trường hợp đột xuất.
Các đối tượng được giao Giấy bảo vệ đặc biệt phải có các trách nhiệm sau đây:
- Chỉ sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt khi thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ.
- Bảo quản và sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt đúng mục đích.
- Báo cáo ngay thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý trong trường hợp Giấy bảo vệ đặc biệt được giao bị mất, hư hỏng, rách, nát.
(Điều 13 Thông tư 14/2018/TT-BCA)
Cụ thể tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 14/2018/TT-BCA, giấy bảo vệ đặc biệt được thu hồi trong các trường hợp sau:
- Đối tượng được giao Giấy bảo vệ đặc biệt thôi thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ;
- Đối tượng được giao Giấy bảo vệ đặc biệt nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;
- Đối tượng được giao Giấy bảo vệ đặc biệt chết, mất tích, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Đối tượng được giao Giấy bảo vệ đặc biệt bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử hoặc vi phạm quy định về sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt;
- Giấy bảo vệ đặc biệt hết thời hạn sử dụng.
Việc quản lý Giấy bảo vệ đặc biệt được quy định như sau:
- Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có trách nhiệm lập sổ theo dõi việc cấp, đổi, cấp lại, giao, thu hồi, tiêu hủy Giấy bảo vệ đặc biệt.
- Định kỳ hằng tháng, đơn vị quản lý trực tiếp đối tượng được giao Giấy bảo vệ đặc biệt phải kiểm tra việc quản lý, sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt thuộc đơn vị mình và báo cáo kết quả về Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội.
- Hằng năm, Cục Bảo vệ an ninh Quân đội báo cáo việc quản lý, sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt thuộc phạm vi quản lý, gửi Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tập hợp; Bộ Tư lệnh Cảnh vệ có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an việc quản lý, sử dụng Giấy bảo vệ đặc biệt của lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
(Điều 11 Thông tư 14/2018/TT-BCA)
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |