Quy định các trường hợp đương nhiên được xóa án tích thể hiện tính nhân đạo của Nhà nước đối với những người đã thực hiện hành vi phạm tội, giúp họ không mặc cảm và sớm hòa nhập với cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn vướng mắc, nhất là trong việc có xem xét hay không điều kiện đương nhiên xóa án tích khi người phạm tội chưa thực hiện nộp án phí hình sự.
Đương nhiên xóa án tích: Chưa nộp án phí hình sự có được xem xét? (Ảnh minh họa)
Theo Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS), đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án mà không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn đó.
Thực tế hiện nay, tại nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng sau khi xét xử, Tòa án chậm gửi bản án đã có hiệu lực pháp luật đến cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, làm cho cơ quan này không có cơ sở để ra các quyết định thi hành phần án phí và quyết định dân sự trong bản án hình sự đối với người bị kết án. Do đó, xảy ra tình trạng người phạm tội sau khi chấp hành xong hình phạt tù, phạt cải tạo không giam giữ hoặc hết thời gian thử thách án treo nhưng chưa nộp án phí hình sự bởi không có quyết định thi hành của cơ quan có thẩm quyền về phần này. Trong trường hợp này, liệu có được coi là người phạm tội đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Điều 70 BLHS?
Vấn đề này hiện tại có 2 luồng quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất cho rằng phải coi là người bị kết án đương nhiên được xóa án tích. Bởi vì, việc Tòa án chậm trễ trong việc chuyển bản án cho Cơ quan thi hành án dẫn đến việc Cơ quan thi hành án chậm ban hành Quyết định thi hành án là lỗi của cơ quan nhà nước chứ không phải lỗi của người bị kết án chây ì, không chịu nộp án phí. Do đó, cần xem xét áp dụng nguyên tắc có lợi cho người đó trong trường hợp này và công nhận người này đương nhiên được xóa án tích.
- Quan điểm thứ hai cho rằng trong trường hợp này không xem xét đến điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án. Là do án phí là 1 phần của bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án hình sự, do đó, việc người bị kết án chưa thực hiện nộp án phí sẽ bị coi là chưa chấp hành xong bản án của Tòa. Vì vậy, theo tinh thần của Điều 70 BLHS, người này chưa đủ điều kiện để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của pháp luật.
Thực tế, trong quá trình thi hành án tại các trại giam, hoặc tại địa phương quản thúc người bị kết án, cán bộ cảnh sát Cơ quan thi hành án hình sự hoặc cán bộ cảnh sát có nhiệm vụ giám sát người đang chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ luôn nhắc nhở, tạo điều kiện để người bị kết án có thể chấp hành hết các phần được tuyên trong bản án, trong đó bao gồm cả án phí. Đồng thời, người bị kết án khi nhận được bản án cũng đã biết họ phải chấp hành những khoản nào trong bản án này. Do đó, không thể dựa vào lý do người bị kết án không biết việc phải nộp án phí hình sự để cho rằng việc chậm nộp không xuất phát từ lỗi của người này.
Hơn nữa, việc người bị kết án không chấp hành đầy đủ bản án thể hiện sự thiếu tôn trọng pháp luật của họ. Trong trường hợp này người đó không thể nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Việc áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tội phải là một quy định cụ thể có lợi cho người phạm tội đối với trường hợp này, chứ không thể thấy có lợi là áp dụng trong khi không có quy định.
Do đó, có thể thấy, quan điểm thứ hai đang chiếm ưu thế trong việc xác định người bị kết án khi đã chấp hành xong hình phạt chính như chưa nộp án phí hình sự có được xem xét đương nhiên xóa án tích hay không.
Quan điểm thứ hai cũng được thể hiện trong Công văn 64/TANDTC-PC Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, người chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, đã đủ thời gian được xem là đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 BLHS nhưng chưa thi hành hình phạt bổ sung, chưa nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và các quyết định khác của bản án do không nhận được thông báo và quyết định thi hành án của Cơ quan thi hành án dân sự là chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án. Trong trường hợp này, người bị kết án không đương nhiên được xóa án tích theo quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự. Do BLHS hiện hành không quy định trường hợp loại trừ việc người bị kết án chưa chấp xong hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án với bất kỳ lý do gì. Hơn nữa, pháp luật thi hành án dân sự quy định nhiều phương thức thi hành để người phải thi hành án có quyền lựa chọn như: tự nguyện thi hành, thỏa thuận thi hành án hoặc nhờ thân nhân nộp thay.
Mặc dù đã có hướng dẫn, tuy nhiên việc hướng dẫn này chỉ mang tính chất nội bộ ngành và chỉ áp dụng trong ngành Tòa án để xem xét đến yếu tố phạm tội trong thời gian chưa được xóa án tích khi xét xử tại Tòa. Chứ không phải là quy định pháp luật chung để áp dụng cho mọi trường hợp. Do đó, cần phải có một văn bản quy phạm pháp luật đề cập và quy định đối với trường hợp này để làm căn cứ áp dụng sau này, tránh gây ra nhiều cách hiểu trái chiều nhau về một quy định trong khi thi hành công vụ.
Đức Thảo
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |