Phòng cháy, chữa cháy là trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Để thực hiện tốt công tác PCCC tại doanh nghiệp, cần thực hiện các quy định PCCC đối với doanh nghiệp, trong đó, tổ chức thực tập phương án chữa cháy tại cơ sở có ý nghĩa và vai trò hết sức to lớn để đảm bảo sự an toàn tài sản cũng như tính mạng của tất cả mọi người.
Doanh nghiệp phải tổ chức thực tập phương án chữa cháy hằng năm (Ảnh minh họa)
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ trong phạm vi quản Iý của mình (sau đây gọi là phương án chữa cháy của cơ sở).
Điểm a khoản 4 Điều 12 Nghị định 79/2014/NĐ-CP quy định phương án chữa cháy được xây dựng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này được tổ chức thực tập ít nhất mỗi năm một lần và thực tập đột xuất khi có yêu cầu.
Đồng thời, khoản 4 Điều 12 Thông tư 66/2014/TT-BCA cũng quy định:
Điều 12. Phương án chữa cháy
…
4. Chế độ thực tập phương án chữa cháy
a) Phương án chữa cháy của cơ sở quy định tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP phải được tổ chức thực tập định kỳ, số lần thực tập do người có thẩm quyền xây dựng phương án chữa cháy quyết định nhưng không ít hơn một lần/năm; mỗi lần thực tập phương án chữa cháy có thể thực tập một hoặc nhiều tình huống khác nhau, nhưng phải bảo đảm tất cả các tình huống trong phương án đều được thực tập;
...
c) Phương án chữa cháy được tổ chức thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương hoặc quốc gia theo yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt phương án chữa cháy quy định tại Khoản 3 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên, người đứng đầu doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức xây dựng phương án chữa cháy cơ sở cho doanh nghiệp. Phương án chữa cháy này được quản lý tại cơ sở và sao gửi cho đơn vị Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy quản lý địa bàn. Hằng năm, doanh nghiệp phải tiến hành tổ chức thực tập phương án chữa cháy tối thiểu 1 lần/năm, và có thể thực tập đột xuất khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.
Nếu doanh nghiệp không tổ chức thực tập phương án chữa cháy thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b khoản 4 Điều 39 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, cụ thể:
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không xây dựng phương án chữa cháy;
b) Không tổ chức thực tập phương án chữa cháy.
Lưu ý: Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định 167 là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, đối với doanh nghiệp, khi không tổ chức thực tập phương án chữa cháy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền gấp 02 (hai) lần mức phạt tiền theo quy định trên, với mức phạt từ 4 đến 10 triệu đồng.
Đức Thảo
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |