Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
Trần Thanh Rin

Tôi muốn biết để được khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam thì cần đáp ứng các điều kiện như thế nào? – Thùy Linh (Khánh Hòa)

Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thế nào là khai thác thủy sản?

Theo khoản 18 Điều 3 Luật Thủy sản 2017, khai thác thủy sản là hoạt động đánh bắt hoặc hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản.

Hoạt động hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản là hoạt động thăm dò, tìm kiếm, dẫn dụ, vận chuyển nguồn lợi thủy sản đánh bắt trong vùng nước tự nhiên.

(Khoản 19 Điều 3 Luật Thủy sản 2017)

2. Điều kiện khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Cụ thể tại Điều 53 Luật Thủy sản 2017, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận đối với tàu cá khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ khác hoặc cấp phép đối với khai thác thủy sản tại vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức nghề cá khu vực khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Được cơ quan có thẩm quyền của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cho phép hoặc được tổ chức quản lý nghề cá khu vực cấp hạn ngạch cho Việt Nam;

- Tàu cá có đủ điều kiện hoạt động; đã được đăng ký, có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá còn hiệu lực ít nhất 06 tháng; có đủ trang thiết bị an toàn cho người và tàu cá; thiết bị giám sát hành trình, thông tin liên lạc phù hợp;

- Thuyền trưởng, máy trưởng phải có văn bằng hoặc chứng chỉ do cơ quan có thẩm quyền cấp; thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có bảo hiểm, hộ chiếu; trên tàu hoặc một nhóm tàu phải có ít nhất một người biết sử dụng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ thông dụng của quốc gia, vùng lãnh thổ mà tàu cá đến khai thác; không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh theo quy định của pháp luật;

- Đáp ứng điều kiện khác theo quy định của tổ chức nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Đồng thời tại Điều 46 Nghị định 26/2019/NĐ-CP cũng quy định về việc tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, không vi phạm khai thác bất hợp pháp.

- Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

- Có quan sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển.

- Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý.

- Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu cá bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi, chọn số và thu trực canh (DCS) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB), thiết bị định vị vệ tinh (GPS).

- Tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh.

3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam

Tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam có những trách nhiệm sau đây:

- Tàu cá Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận hoặc cấp phép.

- Thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển mà tàu cá đến khai thác.

- Tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ có biển và quy định của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà tàu cá đến khai thác.

- Khi có sự cố tai nạn hoặc tình huống nguy hiểm cần sự giúp đỡ, thuyền viên, người làm việc trên tàu cá phải phát tín hiệu cấp cứu, kịp thời liên hệ với cơ quan chức trách của quốc gia, vùng lãnh thổ gần nhất; thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam nơi quốc gia, vùng lãnh thổ gần nhất, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Trong quá trình hoạt động khai thác thủy sản trên biển, thuyền trưởng phải mang theo bản chính hoặc bản sao chứng thực giấy tờ liên quan do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, giấy tờ liên quan do quốc gia, vùng lãnh thổ có biển cấp khi tàu cá đến hoạt động trên vùng biển của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.

- Phối hợp với cơ quan chức năng để giải quyết và xử lý vụ việc xảy ra có liên quan đến người và tàu cá do tổ chức, cá nhân đưa đi khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

- Chủ tàu, thuyền trưởng hướng dẫn, phổ biến cho thuyền viên tàu cá về quyền và trách nhiệm khi tiến hành khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.

- Chủ tàu cá phải mua bảo hiểm cho thuyền viên và người làm việc trên tàu cá; chịu mọi chi phí trong quá trình đưa tàu cá đi khai thác ngoài vùng biển Việt Nam.

(Điều 54 Luật Thủy sản 2017)

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

2291 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;