Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật
Lê Trương Quốc Đạt

Cho tôi hỏi điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật được pháp luật quy định như thế nào? - Minh Ngọc (Đồng Tháp)

Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

Theo khoản 1 Điều 23 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 thì tổ chức, cá nhân được hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật khi có đủ điều kiện sau đây:

- Người trực tiếp làm dịch vụ bảo vệ thực vật phải có trình độ trung cấp trở lên thuộc chuyên ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, sinh học hoặc có giấy chứng nhận tập huấn về bảo vệ thực vật;

- Có trang thiết bị làm dịch vụ bảo vệ thực vật phù hợp;

- Có địa chỉ giao dịch hợp pháp, rõ ràng;

- Được sự đồng ý bằng văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức, cá nhân này có địa chỉ giao dịch hợp pháp.

2. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo Điều 24 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 như sau:

- Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có quyền sau đây:

+ Được trả chi phí thực hiện dịch vụ bảo vệ thực vật theo hợp đồng ký kết với chủ thực vật;

+ Tham dự chương trình tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương;

+ Tham gia chương trình thông tin, truyền thông về phòng, chống sinh vật gây hại thực vật;

+ Được quyền khiếu nại kết luận và quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

- Tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật có nghĩa vụ sau đây:

+ Duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật theo quy định tại Điều 23 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 trong quá trình hoạt động;

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

+ Chấp hành quy định của pháp luật về hợp đồng, pháp luật về lao động và các nghĩa vụ khác;

+ Bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật

Trách nhiệm của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo Điều 16 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013 như sau:

- Điều tra, phát hiện sinh vật gây hại; xác định thời gian phát sinh, diện phân bố, mức độ gây hại của sinh vật gây hại. Thông báo kịp thời tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

- Tiếp nhận, xử lý thông tin và hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với các sinh vật gây hại do chủ thực vật, tổ chức, cá nhân thông báo.

- Xây dựng, duy trì hệ thống giám sát, cảnh báo sinh vật gây hại, biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; xây dựng cơ sở dữ liệu về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

- Chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ trong phòng, chống sinh vật gây hại thực vật.

- Tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, kỹ thuật viên bảo vệ thực vật và người sản xuất.

- Tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước để chỉ đạo và tổ chức việc phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; kiểm tra, xác minh tình hình sinh vật gây hại để đề xuất công bố dịch và công bố hết dịch hại thực vật; đề xuất cấp thuốc bảo vệ thực vật dự trữ quốc gia, chính sách hỗ trợ chống dịch và khôi phục, phát triển sản xuất.

- Đánh giá, xác định thiệt hại do dịch hại thực vật gây ra và đề xuất mức hỗ trợ, các biện pháp khắc phục.

- Thông tin và hướng dẫn biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; hướng dẫn các biện pháp chống dịch, theo dõi, tổng hợp, đánh giá hiệu quả chống dịch.

- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất công tác bảo vệ thực vật, kết quả chống dịch khi có công bố dịch hại thực vật ở địa phương với cơ quan quản lý trực tiếp và cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp trên.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

112 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;