Cho tôi hỏi nguyên tắc và điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại như thế nào? - Ngọc An (Bến Tre)
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại theo Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
- Trọng tài viên phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
- Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
- Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
- Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
- Phán quyết trọng tài là chung thẩm.
Hình thức thỏa thuận Trọng tài thương mại theo Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
- Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
- Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
+ Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
+ Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
+ Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
+ Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;
+ Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thỏa thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.
Tiêu chuẩn Trọng tài viên theo Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
- Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015;
+ Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên;
+ Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên.
- Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên:
+ Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án;
+ Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích.
- Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 đối với Trọng tài viên của tổ chức mình.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |